lcp

Bệnh tay chân miệng ở trẻ sơ sinh

4.7

Ngày cập nhật

Chia sẻ:

doctor avatar

BS Lê Thị Thu Hường

Đã kiểm duyệt ngày 07/03/2024

Chuyên khoa: Nhi Khoa

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, do vi rút đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi và dễ gây thành dịch.

1. Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, do vi rút đường ruột gây ra.

Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71.

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi và dễ gây thành dịch.

Trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi thường rất hiếm khi mắc bệnh do có kháng thể bảo vệ từ mẹ truyền sang.

2. Đường lây truyền bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính là từ dịch tiết mũi, miệng, phỏng nước và phân của người nhiễm bệnh.

Trẻ sơ sinh có thể mắc bệnh tay chân miệng khi:

  • Tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn, nước bọt của người bị nhiễm bệnh khi họ ho hoặc hắt hơi.
  • Tiếp xúc gần gũi với người nhiễm bệnh như ôm, hôn hoặc dùng chung dụng cụ ăn uống.
  • Người chăm sóc trẻ chạm vào phân của trẻ bị nhiễm bệnh, chẳng hạn như khi thay tã hoặc chạm vào đồ vật, bề mặt có vi rút như tay nắm cửa, sau đó chạm vào mũi, miệng của trẻ sơ sinh

Bệnh tay chân miệng có khả năng lây nhiễm nhiều nhất trong tuần đầu tiên của bệnh. Tuy nhiên, virus có thể sống trong cơ thể người bệnh trong nhiều tuần hoặc thậm chí vài tháng sau khi các triệu chứng đã biến mất.

Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, đến các nơi vui chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt dịch bùng phát

3. Triệu chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ sơ sinh

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường xuất hiện các triệu chứng như:

  • Sốt
  • Phát ban dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối và mông.
  • Loét miệng: những vết loét này thường bắt đầu là những đốm nhỏ màu đỏ hoặc mụn nước ở niêm mạc miệng sau đó nhanh chóng trở thành vết loét

Ở trẻ sơ sinh, các triệu chứng của bệnh thường không điển hình. Trẻ sơ sinh có thể chỉ xuất hiện triệu chứng sốt, nổi ban dạng chấm hoặc sẩn hồng ban ở lòng bàn tay, bàn chân, mông gối mà không có phỏng nước hay loét miệng

Bệnh tay chân miệng ở trẻ sơ sinh có thể gây biến chứng viêm màng não vô khuẩn và thường chẩn đoán nhầm với viêm màng não mủ do vi khuẩn.

Vì vậy, khi một trẻ sơ sinh sốt không rõ nguyên nhân, nổi ban ở lòng bàn tay, bàn chân kèm với tiền sử từng tiếp xúc với người bị tay chân miệng hay sinh sống trong vùng đang có dịch tay chân miệng thì cần nghĩ đến khả năng bị tay chân miệng. Khi có các triệu chứng nghi ngờ, cha mẹ cần đưa trẻ đến khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác, tránh nhầm lẫn với các bệnh lý nhiễm trùng nguy hiểm khác.

4. Điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ sơ sinh

Hầu hết bệnh tay chân miệng ở trẻ sơ sinh thường không nặng và sẽ tự khỏi trong vòng 7 đến 10 ngày.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng. Điều trị chủ yếu là hỗ trợ, cung cấp đầy đủ nước và dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng. Phòng ngừa bệnh tay chân miệng

Cha mẹ có thể phòng ngừa lây truyền bệnh tay chân miệng cho trẻ sơ sinh bằng cách biện pháp sau:

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc sử dụng dung dịch sát trùng tay chứa cồn trong ít nhất 20 giây. Luôn rửa tay:

  • Sau khi thay tã
  • Sau khi sử dụng nhà vệ sinh
  • Sau khi xì mũi, ho hoặc hắt hơi
  • Trước và sau khi chăm sóc trẻ bệnh

Tránh cho trẻ tiếp xúc với người đang mắc bệnh tay chân miệng

Làm sạch và khử trùng các bề mặt thường xuyên chạm vào và các vật dụng dùng chung bằng dung dịch cloramin B hoặc nước Javel pha loãng

Nếu trẻ bị bệnh cần cách ly trẻ trong 10 ngày để tránh lây lan cho trẻ khác


Tài liệu tham khảo:

  • Chẩn đoán, điều trị bệnh tay - chân – miệng. Bộ y tế
  • Hand, foot, and mouth disease. Centers for Disease Control and Prevention (CDC)
  • Shanshan Xu , Huajun Li. "Neonatal hand, foot, and mouth disease due to coxsackievirus A6 in Shanghai" (2020)
  • Wen-Wen Chen, Zhao-Bin Yang, "Case report: Features of hand, foot and mouth disease in neonates" (2017)

Đánh giá bài viết này

(14 lượt đánh giá).
4.7
1 star2 star3 star4 star5 star

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm