Dấu hiệu mang thai ngoài tử cung mà mẹ bầu cần biết
Ngày cập nhật
BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI
Đã kiểm duyệt ngày 07/03/2024
Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu
Tình trạng mang thai ngoài tử cung là gì?
Bình thường, trứng sau khi được thụ tinh sẽ phải nằm trong buồng tử cung để phát triển. Tuy nhiên, trường hợp mang thai ngoài tử cung thì trứng sẽ nằm ở bên ngoài và sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm. Thông thường tình trạng này gặp phải nhiều nhất là trứng sẽ nằm ở vòi tử cung. Ngoài ra cũng có một số vị trí khác mà thai làm tổ là buồng trứng, cổ tử cung, ổ bụng.,…
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thai ngoài tử cung là do thai phụ bị viêm nhiễm vòi trứng, vùng chậu bị dị tật ống dẫn trứng, hẹp ống dẫn trứng. Đối với người đã từng nạo phá thai, bị u nang buồng trứng hay bị mắc một số bệnh lây qua đường tình dục có tỉ lệ mang thai ngoài tử cung cao hơn.
Dấu hiệu nhận biết mang thai ngoài tử cung
Việc phát hiện sớm tình trạng mang thai ngoài tử cung sẽ giúp hạn chế biến chứng có thể xảy ra cho thai phụ. Sau đây là một số dấu hiệu có thể giúp bạn nhận biết mang thai ngoài tử cung:
Chậm kinh (hay còn gọi là trễ kinh)
Chậm kinh là một dấu hiệu cho biết bạn có thể đã mang thai. Việc chậm kinh chưa thể chắc chắn là mang thai ngoài tử cung. Trước hết hãy mua que thử thai và đi khám tại phòng khám nếu sau khoảng 7 ngày (thường không có dấu hiệu kèm theo, nếu có dấu hiệu kèm theo thì khám ngay khi có dấu hiệu khác dưới đây) quá kỳ kinh mà chưa thấy có kinh lại.
Âm đạo ra máu bất thường:
Thường mang thai ngoài tử cung, hiện tượng ra máu này sẽ kéo dài, máu có màu đỏ thẫm, chuyển sang nâu hay đen và đôi khi còn có cả màng. Nhưng trong một số trường hợp, có thể bạn vẫn ra huyết với tính chất “ chu kỳ kinh nguyệt bình thường, hoặc không ra huyết, và đôi khi ra huyết dẫn là dấu hiệu của một thai kỳ bình thường.
Đau bụng
Đau bụng cũng là một dấu hiệu để bạn nhận biết thai ngoài tử cung khá rõ rệt. Bụng sẽ đau tại vị trí mà thai làm tổ và đau bụng dưới vùng chậu. Cơn đau có khi âm ỉ nhưng có lúc lại rất dữ dội. Mức độ đau sẽ gia tăng theo thời gian mà thai làm tổ (theo tình trạng phát triển của khối thai ngoài tử cung).
Đặc biệt khi túi thai bị vỡ, cơn đau bụng sẽ kéo dài liên tục, rất dữ dội, đau mỏi người, toát mồ hôi, chóng mặt, hoa mắt hay ngất xỉu. Lúc này cần lập tức tới bệnh viện để được cấp cứu hỗ trợ.
Nguyên nhân gây ra tình trạng mang thai ngoài tử cung
Mang thai ngoài tử cung không chừa một ai, nguyên nhân không được rõ ien nhưng đa số người bị tình trạng này đều có liên quan đến các nguyên nhân sau đây:
- Bị viêm ống dẫn trứng hay sẹo ống dẫn do từng phẫu thuật, nạo phá thai hay nhiễm trùng trước đó.
- Nội tiết tố thay đổi (bất thường của nội tiết tố)
- Cơ quan sinh dục bị dị tật.
- Một số liên quan đến di truyền.
- Người bị bệnh lý liên quan đến hình dáng hoặc hoạt động của các cơ quan sinh sản như bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục,...
Bên cạnh một số nguyên nhân trên thì cũng có một số nguy cơ khác dễ dẫn đến tình trạng mang thai ngoài tử cung như:
- Phụ nữ lớn tuổi.
- Tiền sử đã từng mang thai ngoài tử cung sẽ tăng nguy cơ trong lần mang thai sau đó.
- Người hút thuốc lá.
- Người đang điều trị vô sinh.
- Người dùng thuốc tránh thai hoặc các dụng cụ tránh thai. Khi bạn đang sử dụng các bạn biện pháp tránh thai mà xuất hiện các triệu chứng có thai, cần đi khám liền để xác định vị trí của thai.
Khi mang thai ngoài tử cung thử que có ra 2 vạch không?
Cơ chế hoạt động của que thử thai là đo nồng độ hormone HCG trong nước tiểu. Do đó chỉ cần có thai, bất kể là thai ở đâu thì nồng độ HCG của phụ nữ sẽ tăng rất cao và chắc chắn khi thử que vẫn cho ra 2 vạch. Tuy nhiên thường trong các trường hợp khi mang thai ngoài tử cung, nồng độ HCG sẽ giảm dần nên vạch thứ 2 khi thử que sẽ mờ hơn vạch thứ nhất. Nhưng vẫn có những trường hợp bạn thử ra 2 vạch rõ ràng
Sau khi thử que lên 2 vạch và có các dấu hiệu mang thai thì bạn cần đến ngay phòng khám để siêu âm xác định lại. Việc này sẽ chắc chắn thai đã vào tử cung hay chưa. Nếu chưa xác định được thì cần có thêm thời gian để theo dõi hoặc sử dụng các phương pháp như siêu âm đầu dò, nội soi ổ bụng,...
Thai ngoài tử cung gây ra những ảnh hưởng như thế nào?
Mang thai ngoài tử cung chắc chắn sẽ đem đến những ảnh hưởng cho thai phụ, thậm chí là những biến chứng rất nguy hiểm. Cụ thể:
- Khi thai ngoài tử cung bị vỡ khiến người mẹ bị chảy máu trong rất nhiều. Nếu không kịp thời xử lý, thai phụ có thể thiệt mạng.
- Ống dẫn trứng bị tổn thương, có thể làm tăng khả năng mang thai ngoài tử cung trong những lần kế tiếp. Đồng thời, một số trường hợp phải cắt bỏ vòi trứng, gây ảnh hưởng đến khả năng mang thai hay vô sinh.
- Việc mang thai ngoài tử cung gây ra những mất mát và lo lắng cho thai phụ, để lại một số hậu quả nên có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý, sinh ra trầm cảm, stress.
Cách điều trị tình trạng mang thai ngoài tử cung như thế nào?
Để điều trị tình trạng mang thai ngoài tử cung, trước hết các bác sĩ cần xác định vị trí của túi thai, tình trạng và kích thước để đưa ra phương pháp phù hợp. Có 2 phương pháp để điều trị là:
Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa là phương pháp sử dụng thuốc để ngăn chặn sự phát triển và đưa túi thai ra bên ngoài. Methotrexate là phương pháp đem đến hiệu quả cao nhất trong việc điều trị nội khoa cho người mang thai ngoài tử cung. Tỷ lệ thành công của việc sử dụng Methotrexate lên đến 90,5% và đặc biệt không can thiệp bằng phẫu thuật nên không để lại di chứng trên cơ thể.
Tuy nhiên, điều trị nội khoa chỉ áp dụng cho trường hợp thai phụ có huyết động ổn định, nồng độ BHCG dưới 5000 mUI/ml, không bị chảy máu ổ bụng, tim thai không hoạt động và kích thước của thai nhỏ hơn 3-4cm.
Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa là sử dụng biện pháp phẫu thuật để lấy túi thai ra ngoài cơ thể. Phương pháp phẫu thuật là mổ nội soi hoặc mổ mở. Nếu thai chưa bị vỡ hoặc mới rỉ máu (chưa ảnh hưởng đến sinh hiệu) có thể mổ nội soi. Trường hợp thai đã vỡ, chảy máu nhiều thì cần nhanh chóng mổ mở để không xảy ra sự việc đáng tiếc.
Việc phải mổ mở là biện pháp cuối cùng thực hiện để lấy thai ra ngoài. Quy trình này đòi hỏi y bác sĩ phải có tay nghề, kinh nghiệm cùng với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Thai phụ cũng sẽ bị ảnh hưởng và để lại di chứng nhiều nhất đối với phương pháp điều trị này.
Cách phòng tránh tình trạng mang thai ngoài tử cung
Để tránh mang thai ngoài tử cung, các chuyên gia y tế đưa ra một số lời khuyên sau đây mà mọi người nên thực hiện:
- Bạn nên đi khám trước khi có dự định sinh con để nắm bắt tình trạng sức khoẻ của mình, kịp thời ngăn ngừa hay điều trị các bệnh lý nếu có và bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết. Việc phát hiện các bệnh lý di truyền từ bố mẹ cũng sẽ giúp cho việc theo dõi quá trình phát triển của thai nhi được sát sao hơn.
- Quan hệ tình dục an toàn, hạn chế số lượng bạn tình sẽ làm giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh lý qua đường tình dục và giảm thiểu khả năng mang thai ngoài tử cung.
- Không hút thuốc lá để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ và cơ quan sinh sản.
- Khám phụ khoa định kỳ để sớm phát hiện ra nguy cơ mắc bệnh.
- Không lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp vì nó sẽ làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.
Trên đây là một số dấu hiệu có thể giúp nhận biết mang thai ngoài tử cung rõ ràng nhất. Có thể những dấu hiệu này cũng sẽ tương đồng với việc có thai thông thường hay thể hiện triệu chứng của một số bệnh lý khác. Tuy nhiên dù là gì đi nữa thì nếu có những triệu chứng bất thường này, bạn cần đi khám ngay để đảm bảo sức khỏe tốt nhất và có phương pháp điều trị phù hợp và chuẩn bị cho một thai kỳ mạnh khỏe nhất.
Đánh giá bài viết này
(9 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm