HPV là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu chẩn đoán
Ngày cập nhật
HPV là gì?
HPV là viết tắt của từ “Human Papillomavirus” (Vi-rút Papilloma ở người), một loại vi-rút gây ra các sang thương trên da và niêm mạc. HPV được xem là một trong những loại vi-rút lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất trên thế giới.
HPV có những loại nào
Hiện nay, có khoảng 150 loại HPV đã được xác định, ít nhất 40 loại trong số đó lây nhiễm vùng sinh dục. Phần lớn các trường hợp nhiễm HPV là tự giới hạn và không có triệu chứng hoặc không được nhận biết. Những người trong độ tuổi sinh hoạt tình dục là những đối tượng phơi nhiễm với HPV trong suốt cuộc đời của họ.
Nhiễm HPV thuộc nhóm nguy cơ cao (như HPV tuýp 16 và 18) gây ung thư cổ tử cung, dương vật, âm hộ, âm đạo, hậu môn và hầu họng. Nhiễm HPV thuộc nhóm nguy cơ thấp (như HPV tuýp 6 và 11) gây ra mụn cóc sinh dục và u nhú đường hô hấp.
Dấu hiệu nhiễm HPV
Chính vì sự đa dạng trong các kiểu hình bệnh lý, do đó những người có dấu hiệu nghi ngờ cần được đánh giá trực tiếp từ các bác sĩ lâm sàng để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Dưới đây là những dấu hiệu cần thường gặp khi nhiễm HPV:
Mụn cóc sinh dục: Là dạng u nhú xuất hiện ở vùng sinh dục của nam hoặc nữ. Thường mọc dạng đơn độc hoặc thành chùm nhiều khối u nhú. Có thể có gai sùi phía trên bề mặt hoặc dạng phẳng, tăng dần về kích thước và số lượng. Nhiều trường hợp bỏ sót sang thương như lỗ niệu đạo ở nam, trên cổ tư cung hoặc trong âm đạo ở nữ. Một số tình huống có thể phát hiện dạng này ở vùng hầu họng của người bệnh. Nhóm sang thương này thường có thể tiến triển thành các tế bào tiền ung thư hoặc ung thư nếu không phát hiện và điều trị sớm.
Mụn cóc phẳng: Là những nốt u nhú dặng phẳng nhô cao trên bề mặt da. Có thể mọc ở nhiều vị trí da khác nhau trên cơ thể. Rất dễ nhầm lẫn với các dạng “mụn thịt dư” nên thường bỏ sót. Tuy nhiên những dạng này thường lành tính và khó lây.
Mụn cóc lòng bàn chân: Là những mụn cứng, sần sùi, thường xuất hiện ở gót chân hoặc lòng bàn chân. Có thể gây ngứa ngát khó chịu.
Nhiều trường hợp người nhiễm HPV không phát hiện triệu chứng, nhưng bạn tình của họ có những dấu hiệu điển hình của nhiễm HPV. Những người này có thể đã bỏ sót những sang thương và là nguồn lây nhiễm tiềm tàng cho cộng đồng. Do đó, những người có bạn tình được chẩn đoán nhiễm HPV cần được thăm khám và kiểm tra dù chưa xuất hiện triệu chứng.
Nguyên nhân gây ra mụn cóc sinh dục?
Mụn cóc sinh dục lây lan qua việc tiếp xúc trực tiếp da kề da khi hoạt động quan hệ tình dục (bao gồm quan hệ tình dục ngả âm đạo, đường hậu môn, đường miệng).
Phụ nữ đang mang thai và bị nhiễm HPV dưới dạng mụn cóc sinh dục hoàn toàn có thể lây sang cho em bé khi chào đời.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm HPV bao gồm:
- Có nhiều bạn tình: Việc có từ 2 bạn tình trở lên làm tăng nguy cơ lây nhiễm HPV. Không chỉ vậy, nếu đối tác tình dục của bạn có nhiều bạn tình cũng làm nguy cơ mắc bệnh cho chính bạn.
- Sử dụng chung đồ chơi tình dục cũng làm tăng khả năng mắc HPV.
- Hệ thống miễn dịch kém: Những người có hệ miễn dịch suy yếu (như mắc HIV/AIDS, tiểu đường, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch…) có khả năng nhiễm HPV cao hơn. Ngoài ra, hệ miễn dịch kém cũng là một thử thách trong việc điều trị đẩy hoàn toàn vi-rút ra ngoài cơ thể, người bệnh có thể bị tái phát sau điều trị.
Bao lâu thì mụn cóc sinh dục xuất hiện sau khi nhiễm bệnh?
Một số người phát triển mụn cóc sinh dục trong vòng vài tuần sau khi quan hệ tình dục với người bị nhiễm vi-rút. Tuy nhiên, có thể mất vài tháng hoặc vài năm sang thương mụn cóc mới xuất hiện. Vì lí do này, có thể khó xác định thời điểm nào bạn bị mụn cóc sinh dục.
Cũng có thể nhiễm vi-rút và không bị mụn cóc sinh dục. Người mang vi-rút có thể không biết liệu mình có mụn cóc bên trong hậu môn hay bên trong âm đạo hay không. Nếu bạn không có triệu chứng, bạn có thể vô tình lây nhiễm vi-rút cho đối tác tình dục của mình.
Lời khuyên từ các chuyên gia
- Việc chung thuỷ một bạn tình giúp hạn chế khả năng phơi nhiễm với vi-rút HPV.
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục làm giảm khả năng tiếp xúc trực tiếp với vùng da nhiễm HPV từ người mang bệnh.
- Luôn duy trì chế độ thể dục thể thao, chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng giúp hệ miễn dịch luôn khoẻ mạnh. Xây dựng một hàng rào miễn dịch khoẻ mạnh giúp ngăn ngừa vi-rút xâm nhập vào cơ thể, cũng như giúp cơ thể mau chóng đào thải vi-rút ra ngoài đối với những người mắc HPV.
- Cần có thói quen tầm soát các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục định kỳ cho bản thân và cả bạn tình. Qua đó có thể phát hiện sớm các dấu hiệu không điển hình của mầm bệnh, ngăn ngừa lây nhiễm cho cộng đồng.
- Nếu bạn hoặc đối tác tình dục của bạn có những dấu hiệu nghi ngờ, cần tìm đến ngay những cơ sở y tế uy tín để đánh giá kiểm tra sớm, giúp hạn chế khả năng lây lan nguồn bệnh.
Vi-rút HPV tuy là nguyên nhân gây ra các bệnh lý nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị. Việc trang bị đầy đủ kiến thức về bệnh giúp cho bản thân và bạn tình hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm HPV.
Tài liệu tham khảo
- Sexually Transmitted Infections Treatment Guidelines 2021
- https://www.cdc.gov/mmwr/volumes/70/rr/RR7004a1.htm?s_cid=RR7004a1_w#humanpapillomavirusinfections
- PGS.TS.BS Lê Ngọc Diệp, Tiếp cận và xử trí bệnh nhân bệnh lây truyền qua đường tình dục, Bệnh da liễu thường gặp, Bộ môn da liễu – ĐH Y Dược TPHCM, NXB Y học - 2020
Đánh giá bài viết này
(7 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm