lcp

Nhiễm trùng đường tiểu và những câu hỏi thường gặp

5.0

Ngày cập nhật

Chia sẻ:

doctor avatar

BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI

Đã kiểm duyệt ngày 07/03/2024

Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiểu (tiết niệu) (Urinary tract infections – UTIs) thường xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiểu thông qua các ống mang nước tiểu đi ra ngoài cơ thể (niệu đạo) và bắt đầu sinh sôi và phát triển trong bàng quang. Kết quả của việc bị nhiễm khuẩn sẽ kích thích bàng quang, gây ra cảm giác rất muốn đi tiểu, nóng rát và đau khi tiểu.

Liệu nữ giới có bị nhiễm trùng tiểu nhiều hơn so với nam giới?

Câu trả lời là có, phụ nữ có nhiều nguy cơ mắc phải nhiễm trùng đường tiểu hơn so với ở nam giới và thường phải trải qua “nhiều hơn một lần” bị nhiễm trùng trong suốt cuộc đời. Nguyên nhân gây ra sự khác biệt này nằm ở sự cấu tạo của đường tiểu (giải phẫu học). Nữ giới thường có niệu đạo ngắn hơn so với nam giới, điều này có nghĩa là vi khuẩn chỉ phải đi một khoảng cách ngắn hơn để từ bên ngoài “du lịch” vào trong bàng quang.

Ngoài ra, thời kỳ mãn kinh cũng là một nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Sau thời kỳ mãn kinh, lượng estrogen suy giảm gây ra những thay đổi trong các mô cấu tạo nên lớp lót bên trong đường tiết niệu làm cho phụ nữ dễ bị nhiễm trùng hơn.

Nhiem-trung-duong-tieu (5).png

Cách điều trị tốt nhất khi gặp phải nhiễm trùng tiểu là gì?

Kháng sinh thường là lựa chọn được ưu tiên khi có nhiễm trùng tiểu. Thông thường, các triệu chứng của nhiễm trùng tiểu sẽ giảm dần trong vài ngày sau khi bắt đầu điều trị. Tuy nhiên, đôi khi bạn cần phải tiếp tục sử dụng kháng sinh trong một thời gian dài hơn sau khi đã thấy các triệu chứng thuyên giảm. Luôn luôn chắc chắn rằng bạn đã sử dụng hết kháng sinh mình được bác sĩ kê đơn.

Đối với nhiễm trùng tiểu không phức tạp, xảy ra khi bạn đang trong tình trạng khỏe mạnh, bác sĩ có thể gợi ý cho bạn những liệu trình điều trị ngắn ngày hơn, chẳng hạn như dùng kháng sinh từ 1 đến 3 ngày. Việc này sẽ phụ thuộc vào sự cải thiện của các triệu chứng và tiền sử bệnh của bạn.

Nhiem-trung-duong-tieu (3).png

Việc điều trị kịp thời và đúng cách sẽ tránh được các biến chứng nghiêm trọng từ nhiễm trùng bàng quang và niệu đạo. Ngược lại, nếu không được điều trị, tình trạng nhiễm trùng có thể “lây” sang cả thận và vào máu, gây ra những biến chứng có thể đe dọa đến tính mạng.

Quan hệ tình dục có gây ra nhiễm trùng tiểu hay không?

Điều này có thể xảy ra vì việc quan hệ tình dục có thể đưa vi khuẩn vào trong đường tiết niệu và gây ra nhiễm trùng. Nhưng vẫn còn một số vấn đề chưa rõ ràng về việc một số người dễ bị nhiễm trùng tiểu liên quan đến tình dục hơn so với hững nguyên nhân khác. Một số phụ nữ mô tả họ cảm thấy đau và đi tiểu thường xuyên hơn sau khi quan hệ.

Nhiem-trung-duong-tieu (1).png

Đối với các trường hợp nhiễm trùng tiểu liên quan đến quan hệ tình dục, thường nhiễm trùng có xu hướng nằm ở niệu đạo hơn so với bàng quang. Đôi khi các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm cũng không tìm thấy bất kỳ loại vi sinh vật nào có nhiều khả năng gây ra nhiễm trùng, và đối với một số phụ nữ, thậm chí sau khi đã được điều trị, họ vẫn tiếp tục phải trải qua các triệu chứng như trên và không có dấu hiệu thuyên giảm. Nếu bạn đang cảm thấy đây giống như tình trạng của mình, hãy hỏi bác sĩ liệu có thể có những nguyên nhân khác cũng có thể gây ra những triệu chứng trên.

Giảm các nguy cơ mắc phải nhiễm trùng tiểu bằng cách:

  • Tham gia các chương trình về giáo dục giới tính, quan hệ tình dục một cách an toàn.
  • Tránh sử dụng các chất diệt tinh trùng, điều này có thể liên quan đến việc mắc phải nhiễm trùng tiểu một cách thường xuyên.
  • Đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục.
  • Uống nhiều nước và không nhịn tiểu sẽ có ích trong việc giúp một phần nào loại bỏ các vi khuẩn.
  • Có thể cân nhắc việc sử dụng các chất bôi trơn trong quan hệ tình dục để giảm nguy cơ viêm niệu đạo.
  • Đôi khi, nhiễm trùng niệu đạo có thể do lây truyền các bệnh qua đường tình dục, chẳng hạn như chlamydia hoặc các bệnh da liễu. Vấn đề này cũng có thể được điều trị bằng các kháng sinh. Trong quá trình điều trị, hạn chế quan hệ tình dục hoặc sử dụng bao cao su để ngăn chặn sự lây lan của các bệnh nhiễm khuẩn do quan hệ tình dục.

Nước ép Nam việt quất có giúp ích trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng tiểu?

Các sản phẩm được chế biến từ trái nam việt quất, dưới dạng nước trái cây hoặc viên uống, có thể chống lại nhiễm trùng. Tuy nhiên những bằng chứng mà các thử nghiệm lâm sàng đưa ra khá “hỗn tạp”. Nếu bạn thích uống loại nước ép này và cảm thấy nó có giúp ích trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng tiểu, việc này sẽ không gây ra tác hại nào, tuy nhiên hãy chú ý đến calories. Đối với hầu hết tất cả mọi người, uống một lượng nhỏ nước ép nam việt quất là an toàn, mặc dù đã có một số người đã báo cáo về tình trạng đau dạ dày và tiêu chảy sau khi sử dụng.

nhiem-trung-duong-tieu.jpg

Mỗi loại nhiễm trùng đường tiết niệu có thể dẫn đến các dấu hiệu và các triệu chứng đặc trưng, phụ thuộc vào bộ phận nào của đường tiết niệu đang bị nhiễm trùng.


Nguồn: Mayo Clinic Health Letter'

Dịch thuật: DS. Nguyễn Phạm Quỳnh Hoa

Đánh giá bài viết này

(4 lượt đánh giá).
5.0
1 star2 star3 star4 star5 star

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm