lcp

Tổng quan về bệnh suy tuyến giáp

4.5

Ngày cập nhật

Chia sẻ:

doctor avatar

BS.CKI Bon Dơng Thái Hiền

Đã kiểm duyệt ngày 07/03/2024

Chuyên khoa: Nội tổng quát-Nội tiết

Suy tuyến giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất không đủ một số hormon. Nồng độ hormon tuyến giáp thấp kéo dài có thể gây ra một loạt các triệu chứng và có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng.

Những nguyên nhân của suy tuyến giáp

Các nguyên nhân hay gặp gây nên các triệu chứng của suy giáp:

  • Bệnh tự miễn: Viêm tuyến giáp tự miễn như viêm tuyến giáp Hashimoto ; viêm tuyến giáp xơ teo.
  • Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp.
  • Điều trị bức xạ.
  • Suy giáp bẩm sinh: trẻ sinh ra không có tuyến giáp
  • Viêm tuyến giáp.
  • Sử dụng thuốc ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp: amiodarone, lithium.
  • Chế độ ăn uống thiếu iốt dẫn đến giảm tổng hợp hormone tuyến giáp. Thiếu iot nặng sẽ tiến triển thành bệnh suy giáp hoặc gây ra chứng suy giáp bẩm sinh cho trẻ nhỏ. Suy giáp bẩm sinh sẽ dẫn đến khuyết tật về trí tuệ, vì thế phụ nữ mang thai phải đảm bảo hấp thu đủ lượng iot trong thai kỳ.
  • Tổn thương tuyến yên: Tuyến yên kích thích tuyến giáp bài tiết hormone tuyến giáp, khi tuyến yên bị tổn thương do khối u, bức xạ hoặc phẫu thuật, tuyến giáp có thể giảm hoặc ngừng sản xuất hormone.
  • Các rối loạn hiếm gặp xâm nhập vào tuyến giáp: Bệnh amyloid, bệnh sarcoidosis.

Đối tượng nguy cơ suy giáp

Bệnh suy giáp có ảnh hưởng như nhau đối với cả hai giới tính và có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng phổ biến hơn ở phụ nữ cao tuổi.

Tuy nhiên có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:

  • Phụ nữ trên 60 tuổi
  • Rối loạn tự miễn
  • Gia đình có người thân, cha mẹ hoặc ông bà mắc bệnh tự miễn
  • Đã được điều trị xạ trị iod hoặc thuốc ức chế tuyến giáp
  • Tiền sử chiếu bức xạ ở cổ hoặc phần ngực trên
  • Đã từng phẫu thuật tuyến giáp (hoặc một phần tuyến giáp)
  • Đã từng mang thai hoặc sinh con trong vòng 6 tháng quá

Triệu chứng lâm sàn của suy tuyến giáp

Triệu chứng của suy giáp đôi khi mơ hồ.

Suy tuyến giáp thường có thể biểu hiện các triệu chứng sau:

Triệu chứng da niêm:

  • Mặt tròn ,ít biểu lộ tình cảm , trán nhiều nếp nhăn; mi mắt phù,nhất là mi dưới; gò má hơi tím nhiều mao mạch dãn; môi dày, lưỡi to, có dấu ấn răng.
  • Vòi Eustache thâm nhiễm: ù tai, giảm thính lực.
  • Ngủ ngáy to, khàn tiếng.
  • Bàn tay,bàn chân lạnh ,dầy,các ngón to,thô nhám. Gan bàn tay, bàn chân có thể có màu vàng.
  • Da màu vàng bủng, thường khô, bong vảy.
  • Lông, tóc khô, dễ rụng, móng tay, móng chân dễ gãy.

Triệu chứng giảm chuyển hóa:

  • Sợ lạnh, thân nhiệt giảm.mặc áo ấm ngay cả mùa hè,giảm tiết mồ hôi
  • Rối loạn điều tiết nước uống: uống ít ,tiểu ít.
  • Tăng cân mặc dù ăn ít.
  • Rối loạn nhu động ruột: táo bón kéo dài.

Triệu chứng tim mạch:

  • Nhịp tim chậm < 60 l/phút thường gặp giai đoạn muộn, khi nhịp tim > 60l/phút cũng không loại trừ suy giáp, Huyết áp tâm thu thấp.
  • Đau vùng trước tim hay cơn đau thắt ngực thực sự.
  • Khó thở khi gắng sức.

Triệu chứng thần kinh cơ:

  • Teo cơ nhưng khám cơ phì đại do giả phì đại cơ, có cảm giác duỗi cứng cơ, dễ bị vọp bẻ.
  • Giảm phản xạ gân xương.

Triệu chứng tâm thần:

  • Thường thờ ơ, chậm chạp, vô cảm.
  • Giảm trí nhớ, mất tập trung, giảm hoạt động cơ thể, suy sinh dục.

Triệu chứng nội tiết:

  • Rong kinh, vô kinh
  • Kèm chảy sữa hoặc hội chứng mất kinh, giảm libido.

Bướu giáp: có hay không tuỳ nguyên nhân.

Cận lâm sàng trong chẩn đoán suy tuyến giáp

  • Đo Hormon giáp: FT4, TSH.
  • Siêu âm tuyến giáp.
  • Xạ hình tuyến giáp.
  • Điện tâm đồ….

Xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân gây suy giáp:

  • Xét nghiệm tìm kháng thể tuyến giáp.
  • Định lượng hormone tuyến thượng thận, tuyến sinh dục.
  • Chụp MRI sọ não.

Suy tuyến giáp có thể gây biến chứng

  • Biến chứng nguy hiểm và tiên lượng xấu là hôn mê suy giáp
  • Bệnh mạch vành
  • Rối loạn tâm thần, trầm cảm, sa sút trí tuệ.
  • Vô sinh

Chẩn đoán suy tuyến giáp

Chẩn đoán suy tuyến giáp khi lâm sàng nghi ngờ suy giáp ; bệnh nhân có tiền căn bệnh lý tuyến giáp đã chẩn đoán, điều trị; có kết quả cận lâm sàng hormon tuyến giáp TSH,FT4 là suy giáp.

Điều trị suy tuyến giáp

Bổ xung hormon tuyến giáp: Levothyroxine được ưu tiên chọn lựa điều trị, dùng 1 lần/ ngày. Uống trước ăn sáng 30-60 phút lúc bụng đói hoặc lúc đi ngủ (sau bữa tối 4 giờ); Không dùng cùng lúc với thực phẩm nhiều chất xơ, sữa đậu nành hoặc các thuốc : thuốc gắn kết acid mật, PPI, calci, sắt, cholestyramin, sucralfate, nhôm hydroxit.

Bổ xung Hormon giáp vĩnh viễn nếu là nguyên nhân suy giáp không hồi phục.

Khi sử dụng hormon tuyến giáp bệnh nhân cần phải theo dõi để điều chỉnh liều lượng hormone tuyến giáp cho phù hợp, tránh tình trạng sử dụng liều quá cao dẫn tới cường giáp hoặc chưa đủ liều hormone.

Khi đã có liều hormon tuyến giáp phù hợp, bệnh nhân cần kiểm tra lại nồng độ TSH sau 6 - 8 tuần. trong trường hợp đang mang thai hoặc đang dùng thuốc cản trở khả năng sử dụng thyroxine của cơ thể, bệnh nhân cần xét nghiệm hormone thường xuyên hơn.

Trẻ em bị suy giáp phải duy trì thuốc hormone tuyến giáp hàng ngày và kiểm tra nồng độ TSH trong quá trình phát triển để ngăn ngừa việc chậm phát triển trí tuệ và còi cọc. Khi đã ổn định, bệnh nhân có thể xét nghiệm TSH định kỳ một năm một lần.

Mục tiêu của điều trị là duy trì nồng độ TSH ở mức bình thường.

Không có phương pháp chữa khỏi suy giáp và hầu hết người bệnh sẽ bị suy giáp suốt đời. Tuy nhiên, có những trường hợp ngoại lệ như viêm tuyến giáp do virus, viêm tuyến giáp sau khi mang thai thì chức năng tuyến giáp của họ trở về bình thường.

Bệnh nhân cần uống thuốc đều, khám bác sĩ định kỳ và duy trì đúng liều lượng hormon giáp phù hợp thì tình trạng suy giáp có thể được kiểm soát tốt; các triệu chứng suy giáp sẽ hết và những ảnh hưởng nghiêm trọng của suy giáp sẽ được cải thiện.

Phòng ngừa suy giáp

Vì biểu hiện của suy giáp thường không rõ ràng nên phòng ngừa suy tuyến giáp còn gặp nhiều hạn chế, tuy nhiên có một số cách có thể phòng ngừa suy giáp ở người bệnh như:

  • Bệnh nhân có anti-TPO tăng mà chưa có biểu hiện lâm sàng suy giáp thì cần theo dõi và xét nghiệm định kỳ hàng năm để phát hiện sớm và điều trị kịp thời
  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trước khi chuẩn bị có thai cần được làm xét nghiệm tầm soát sớm bệnh suy giáp vì 3 tháng đầu thai kỳ khi thai nhi chưa hình thành tuyến giáp thì cần đến lượng hormon tuyến giáp lớn cho sự hình thành và phát triển hệ thần kinh. Nếu trong quá trình này mà thiếu hormon do mẹ bị suy giáp thì trẻ sinh ra dễ bị kém phát triển trí tuệ và đần độn
  • Những đứa trẻ là con của bà mẹ bị bệnh suy giáp cần được xét nghiệm lấy máu gót chân ngay những ngày đầu sau sinh để kiểm tra bệnh lý tuyến giáp
  • Xét nghiệm hormon giáp cần làm ở những cặp vợ chồng vô sinh.

Đánh giá bài viết này

(6 lượt đánh giá).
4.5
1 star2 star3 star4 star5 star

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm