Dấu hiệu sớm của bệnh đái tháo đường ở phụ nữ
Ngày cập nhật
BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI
Đã kiểm duyệt ngày 07/03/2024
Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu
1. Triệu chứng đái tháo đường ở phụ nữ
Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường ở phụ nữ không có quá nhiều sự khác biệt so với các triệu chứng ở nam giới. Tuy nhiên vẫn tồn tại một số triệu chứng đặc trưng và chỉ xuất hiện ở nữ giới. Những triệu chứng phổ biến gồm:
Nhiễm nấm Candida
Tăng đường huyết hoặc lượng đường trong máu cao có thể kích hoạt sự phát triển của nấm
Sự phát triển quá mức của nấm men do nấm Candida gây ra có thể dẫn đến nhiễm trùng nấm men ở miệng hoặc âm đạo. Khi nhiễm trùng phát triển ở vùng âm đạo, các triệu chứng có thể bao gồm:
- Ngứa âm đạo
- Tiết nhiều dịch âm đạo
- Đau nhiều khi quan hệ tình dục
Nhiễm trùng miệng thường gây ra một lớp phủ màu trắng trên lưỡi và bên trong miệng.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) phát triển khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu. Nguy cơ sẽ tăng cao hơn ở những phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường. UTI phổ biến ở nhóm này chủ yếu là do tăng đường huyết, làm tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể.
UTI có thể gây ra:
- Đau rát khi đi tiểu
- Nước tiểu có máu hoặc đục
- Cảm giác nóng rát đường tiết niệu
Ngoài ra, bệnh nhân có nguy cơ bị nhiễm trùng thận nếu những triệu chứng này không được điều trị dứt điểm.
Khô âm đạo
Tổn thương các sợi thần kinh xảy ra khi lượng đường trong máu cao, có thể gây ngứa ran và mất cảm giác ở các bộ phận khác nhau của cơ thể, bao gồm:
- Tay
- Bàn chân
- Chân
Bên cạnh đó, các tổn thương thần kinh có thể ảnh hưởng đến cảm giác ở vùng âm đạo, dẫn đến các triệu chứng như khô âm đạo.
Kinh nguyệt nhiều hơn
Lượng đường trong máu của bạn có thể thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt, do thay đổi nội tiết tố. Bạn có thể nhận thấy rằng thời gian chu kì của bạn dài hơn, với lượng máu kinh nhiều hơn.
Khó thụ thai
Đối với những phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường, khả năng mang thai của họ thấp hơn so với những phụ nữ khác.
Biến chứng khi mang thai
Bệnh đái tháo đường làm tăng nguy cơ sảy thai và tiền sản giật (tình trạng huyết áp rất cao) khi mang thai. Ngoài ra, trẻ sơ sinh có thể sinh non hoặc có cân nặng cao khi sinh.
Hội chứng buồng trứng đa nang (pcos)
Những rối loạn về mặt nội tiết tố ở phụ nữ có thể khiến nồng độ hormone nữ giới tăng cao và làm tăng nguy cơ mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Những dấu hiệu của hội chứng buồng trứng đa nang liên quan đến bệnh đái tháo đường bao gồm:
- Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt
- Tăng cân không kiểm soát
- Xuất hiện nhiều mụn trứng cá, đặc biệt ở mặt, ngực và lưng.
Ngoài ra hội chứng buồng trứng đa nang cũng có thể gây ra tình trạng kháng Insulin dẫn đến lượng đường trong máu ngày càng tăng cao và khiến các triệu chứng của bệnh đái tháo đường trầm trọng hơn ở nữ giới.
2. Yếu tố nguy cơ đái tháo đường ở nữ
Tương tự như đối với các triệu chứng của bệnh, các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường là tương đối giống nhau ở cả hai giới nam và nữ. Tuy nhiên vẫn tồn tại một số yếu tố nguy cơ chỉ xuất hiện ở nữ giới.
Một nghiên cứu quy mô lớn được thực hiện trên tổng số gần 100.000 tình nguyện viên ở cả hai giới cho thấy đàn ông có chỉ số khối cơ thể thấp hơn phụ nữ có nguy cơ mắc đái đường tuýp 2 cao hơn.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã liệt kê một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường ở nữ giới, bao gồm:
- Từng mắc đái đường thai kỳ trong lần mang thai gần nhất
- Sinh một em bé nặng hơn 4 kg.
- Có tiền sử mắc hội chứng buồng trứng đa nang.
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh
- Chỉ số huyết áp cao, từ 140/90 trở lên.
- Hàm lượng cholesterol trong máu cao, từ 240 mg/dL trở lên
- Hạn chế vận động, ít luyện tập thể dục hay chơi thể thao.
- Các yếu tố liên quan đến sắc tộc cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Ấn Độ, thổ dân đến từ vùng Alaska, người Mỹ gốc Á, gốc Tây Ban Nha hoặc La tinh cũng như người gốc Hawaii có nguy cơ mắc đái tháo đường cao hơn những người khác.
Đái tháo đường hiện nay vẫn được coi là một căn bệnh mạn tính và không thể điều trị khỏi. Khi người bệnh đã được chẩn đoán mắc bệnh, điều duy nhất họ có thể làm là kiểm soát tốt các triệu chứng của bệnh. Phụ nữ là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng của đái tháo đường. Một số nghiên cứu đã chỉ ra phụ nữ mắc bệnh có nguy cơ tử vong cao hơn 40% so với những người bình thường. Khám sàng lọc để phát hiện sớm đái tháo đường là việc rất quan trọng. Trong trường hợp đã mắc bệnh, người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc điều trị, kèm theo đó là thay đổi lối sống như ăn uống lành mạnh, có một chế độ luyện tập thể dục thể thao hợp lý để giảm thiểu tối đa những thiệt hại mà bệnh mang lại.
3. Ngăn ngừa các dấu hiệu bệnh đái tháo đường ở nữ giới
Ở mọi lứa tuổi, kiểm soát đường huyết luôn và việc khó khăn đối với cơ thể nữ giới. Điều này bắt nguồn từ sự thay đổi nội tiết tố liên quan đến quá trình mang thai, chu kỳ kinh nguyệt, mãn kinh,… Dưới đây là một số biện pháp giúp bạn có thể phòng ngừa, trì hoãn sự phát triển của bệnh:
- Tập thể dục và giảm cân: Theo nghiên cứu từ Chương trình Phòng chống bệnh đái tháo đường cho thấy, nếu bạn giảm từ 5 – 7% trọng lượng cơ thể thì có thể ngăn ngừa biến chứng đái tháo đường tuýp 2. Để thực hiện được điều đó, bạn nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày, 1 tuần 5 ngày và ăn các loại thực phẩm lành mạnh.
- Tuyệt đối không hút thuốc: Thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương dây thần kinh ở bàn chân hoặc mắc bệnh thận tiểu đường.
- Chữa trị đái tháo đường: Thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc duy trì huyết áp, đường huyết và mỡ máu.
Các thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế chẩn đoán y khoa. Nếu bạn có những vấn đề về sức khỏe cần được tư vấn, liên hệ đội ngũ Bác sĩ của chúng tôi thông qua HOTLINE hoặc ứng dụng MEDIGO.
Trải nghiệm ngay các tiện ích trên ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa MEDIGO. Tải App TẠI ĐÂY.
Đánh giá bài viết này
(10 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm