Giải đáp: Virus HPV lây qua con đường nào?
Ngày cập nhật
BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI
Đã kiểm duyệt ngày 07/03/2024
Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu
HPV là gì? Có bao nhiêu loại gây bệnh?
Human Papillomavirus (HPV) là tên gọi chung cho nhóm virus truyền nhiễm sinh u nhú (warts) với một số bộ phận trên cơ thể người. Có khoảng 30 týp HPV gây u nhú ở cơ quan sinh dục như: âm hộ, âm đạo, phần phụ, dương vật, da bìu hay ở cả trực tràng, hậu môn.
Được xem là một trong các tác nhân gây nên bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs), HPV gây ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục phần lớn qua đường tiếp xúc trực tiếp qua da (skin-to-skin contact). Trong số 30 chủng HPV nêu trên sẽ có khoảng 14 týp nguy cơ cao gây Ung thư cổ tử cung (UTCTC), trong số đó 70% trường hợp UTCTC đến từ hai týp 16 và 18. Các týp có nguy cơ thấp hơn như týp 6 hoặc 11 chỉ gây sùi mào gà (SMG - Genital Warts) trong 90% trường hợp, hiếm khi chuyển hoá thành ung thư.
Tại Việt Nam, UTCTC được xếp thứ 4 về độ phổ biến ở nữ giới và xếp thứ 2 với nhóm ở độ tuổi sinh sản; chỉ sau Ung thư Vú.
Con đường lây truyền HPV
Lây nhiễm HPV chủ yếu qua con đường ”da -kề -da” (skin to skin contact). Virus từ người bệnh sẽ xâm nhập vào cơ thể người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp với vết cắt, trầy xước trên da hoặc niêm mạc họ.
HPV sinh dục xâm nhập qua quan hệ tình dục thông thường, quan hệ qua đường hậu môn, hay sử dụng chung đồ chơi tình dục. Một số trường hợp nhiễm HPV từ vòm họng hay đường hô hấp trên đến từ nguyên nhân quan hệ tình dục đường miệng.
Trong trường hợp người mang thai đã nhiễm HPV sẽ có một phần khả năng thai nhi sinh ra nhiễm HPV; khiến trẻ sinh u nhú lành tính ở vùng thanh quản.
Một số yếu tố nguy cơ có thể khiến tỷ lệ gặp phải HPV bao gồm:
- Số lượng bạn tình: Càng quan hệ với nhiều bạn tình, nguy cơ mắc phải HPV càng cao nếu một trong số họ đã nhiễm loại virus này.
- Độ tuổi: Mụn cơm trên da thường xuất hiện ở trẻ em, trong khi mụn cóc sinh dục lại đa phần gặp ở người lớn.
- Hệ miễn dịch suy yếu: Người có hệ miễn dịch yếu dễ có nguy cơ mắc phải HPV, đơn cử như các bệnh nhân HIV/AIDS hay uống thuốc chống thải ghép sau khi ghép tạng.
- Vùng da tổn thương: Tình trạng da trầy xước, có vết thương hở dễ mắc phải HPV hơn.
- Tiếp xúc/sinh hoạt chung hay ở nơi công cộng: Tiếp xúc trực tiếp vào mụn cơm của người bệnh, sử dụng chung bồn tắm hay hồ bơi cộng cộng có thể tăng nguy cơ nhiễm HPV.
Biểu hiện sang thương HPV
Sang thương của HPV (mụn cơm/mụn cóc) sẽ xuất hiện khi hệ miễn dịch của người bệnh bắt đầu có sự suy yếu. Các thể mụn cóc do HPV sẽ xuất hiện ở:
Mụn cơm sinh dục (Genital Warts): Sang thương dạng phẳng, hình bông cải hay dạng chùm nhánh cây, xuất hiện ở vùng âm hộ, hậu môn hay ở cổ tử cung.
Mụn cơm thông thường (Common Warts): Sang thương dạng hình tròn, cộm lên bề mặt, gây đau hay khó chịu nếu trầy xước/chảy máu.
Mụn cơm lòng bàn chân (Plantar Warts): Là các nốt u nhỏ cứng thường xuất hiện ở lòng bàn chân, gây khó chịu cho người bệnh khi di chuyển.
Mụn cơm phẳng (Flat Warts): Sang thương sẩn thượng bì hơi gồ lên bề mặt da (1-3mm) có xuất hiện khắp nơi trên cơ thể, trẻ em thường xuất hiện trên mặt, trong khi phụ nữ sẽ có mụn cơm dạng này ở vùng chân.
Với hai týp HPV 16 và 18, virus sẽ gây nên tình trạng loạn sản cổ tử cung (cervical dysplasia). Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến ung thư.
Phòng ngừa HPV? Vaccine dự phòng khi nào?
Phòng ngừa HPV ở nữ giới sẽ bao gồm tầm soát và tiêm vaccine dự phòng HPV.
Với tầm soát, phụ nữ từ 21 tuổi đến hết 65 tuổi (nếu có 2 lần phết tế bào cổ tử cung Pap’s hay co-testing âm tính, hoặc đã phẫu thuật cắt tử cung do bệnh lành).
Nếu xét nghiệm Pap’s smear âm tính, tầm soát sẽ làm lại sau hai năm. Trường hợp nghi ngờ sẽ tầm soát lại 1 năm hoặc nội soi cổ tử cung tuỳ vào kết quả xét nghiệm.
Bên cạnh đó, xét nghiệm HIV và Nội soi đại tràng có thể được chỉ định cho nhóm người có nguy cơ cao.
Với dự phòng bằng vaccine, Gardasil 9 được FDA khuyến cáo tiêm ngừa cho cả trẻ nam và nữ ở độ tuổi 11-12, cách nhau mỗi 6 tháng. Trong độ tuổi từ 16 đến 25, dự phòng sẽ là 3 mũi.
Trong trường hợp ở độ tuổi từ 27 đến 45, FDA khuyến cáo bạn nên tham vấn bác sĩ để được chỉ định tiêm ngừa.
Dự phòng chung cho HPV (cả nam và nữ) sẽ bao gồm:
- Tiêm ngừa HPV
- Xét nghiệm định kỳ
- Quan hệ tình dục an toàn (dùng biện pháp an toàn khi quan hệ)
- Thông báo cho bạn tình biết về tình trạng sức khỏe bản thân
Nhiễm HPV rất dễ tái phát dù điều trị bằng bất kì phương pháp nào. Vì thế việc dự phòng bằng vaccine và lối sống lành mạnh, thực hiện việc tầm soát định kỳ là cách tốt nhất để tránh mắc phải căn bệnh nguy hiểm này.
Nguồn tham khảo
Đánh giá bài viết này
(7 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm