Top 7 thuốc uống và thuốc bôi chống dị ứng thời tiết
Ngày cập nhật
BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI
Đã kiểm duyệt ngày 07/03/2024
Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu
1. Dị ứng thời tiết là bệnh gì? Có nguy hiểm và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe không?
1.1 Dị ứng thời tiết là gì?
Dị ứng thời tiết là bệnh lý phổ biến, thường gặp trong cuộc sống, đặc biệt ở nước ta. Khi nhiệt độ trong không khí thay đổi đột ngột (thường là khi giao mùa) nóng lạnh và độ ẩm tăng giảm thất thường, điều này làm ảnh hưởng đến các dị nguyên như: thay đổi nồng độ phấn hoa trong không khí, thay đổi sự phát triển của nấm mốc… Do đó làm rối loạn hệ miễn dịch của cơ thể gây ra tình trạng dị ứng thời tiết.
Khi bị dị ứng thời tiết, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như: Da mẩn đỏ, nổi mề đay, ngứa, tùy vào đáp ứng của cơ thể mà triệu chứng xuất hiện với các mức độ ảnh hưởng khác nhau. Một số trường hợp khác, khi bị dị ứng thời tiết có thể còn xuất hiện thêm các vấn đề hô hấp, mũi họng… điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến người bệnh trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Một số triệu chứng thường gặp của bệnh lý dị ứng thời tiết
1.2. Dị ứng thời tiết có nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe không?
Dị ứng thời tiết không gây nguy hiểm đến tính mạng và ít ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh nếu biết cách điều trị hợp lý, hiệu quả. Dị ứng thời tiết gồm có hai dạng đó là cấp tính và mạn tính. Khi mắc dị ứng thời tiết cấp tính cơ thể sẽ xuất hiện các dấu hiệu như: Phát ban, ngứa ngáy, các triệu chứng này sẽ kéo dài trong vòng từ vài ngày đến dưới sáu tuần.
Các triệu chứng không quá nguy hiểm nên người bệnh thường chủ quan, không chú ý điều trị. Tuy nhiên, nếu dị ứng thời tiết cấp tính không được điều trị đúng cách và kịp thời sẽ rất dễ chuyển sang giai đoạn mạn tính. Ở giai đoạn dị ứng thời tiết mạng tính, các triệu chứng của bệnh có thể không xuất hiện nhiều như trong giai đoạn cấp tính, tuy nhiên nó có thể gây ra một số vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như: Nhiễm trùng da, hạ huyết áp, khó thở, phù nề, viêm mũi dị ứng quanh năm, mề đay mãn tính…
Vì vậy khi xuất hiện các triệu chứng của dị ứng thời tiết, người bệnh không nên chủ quan mà hãy tìm hiểu, khám sức khỏe và lựa chọn cho mình cách điều trị phù hợp, hiệu quả nhất để tránh gặp phải những rủi ro và dẫn đến các biến chứng không mong muốn.
2. Top 7 thuốc uống và thuốc bôi chống dị ứng thời tiết
Dị ứng thời tiết có liên quan tới cơ địa và hệ miễn dịch của mỗi người, vậy nên sẽ không có phương pháp và thuốc điều trị dứt điểm tình trạng dị ứng thời tiết. Có những người cơ địa rất dễ bị dị ứng thời tiết, chỉ cần nắng mưa thất thường, thay đổi độ ẩm đã xuất hiện các triệu chứng dị ứng, tuy nhiên có những người khác lại không bao giờ bị dị ứng cho dù khí hậu khắc nghiệt.
Đối với người bị dị ứng thời tiết chỉ thể điều trị các triệu chứng theo từng đợt và phòng ngừa bằng cách hạn chế tiếp xúc với các yếu tố thời tiết bất lợi. Việc điều trị dị ứng thời tiết cần tập trung vào việc kiểm soát các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh và giảm thiểu những tác dụng phụ của thuốc điều trị dị ứng thời tiết gây ra.
Hiện nay, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyến khích phòng ngừa các dị nguyên gây ra dị ứng và các biện pháp giúp điều trị cắt cơn dị ứng ở mỗi đợt triệu chứng xuất hiện
2.1 Top 4 thuốc dùng đường uống để điều trị dị ứng hiệu quả và an toàn
2.1.1 Thuốc điều trị triệu chứng dị ứng thời tiết Loratadin 10mg Imexpharm
Loratadin hoạt chất thuộc nhóm kháng histamin H1 thế hệ 2, được xem là thuốc điều trị dị ứng thời tiết do có tác dụng tốt làm giảm các triệu chứng như ngứa, chảy nước mắt, chảy nước mũi và hắt hơi,...
Cách dùng và liều dùng của thuốc loratadin 10mg trong điều trị các triệu chứng của dị ứng thời tiết:
Cách dùng: Thuốc dị ứng loratadin được sử dụng bằng đường uống, có thể uống thuốc trước hoặc sau ăn do thuốc không bị ảnh hưởng bởi thức ăn.
Liều dùng:
- Người lớn, người cao tuổi và trẻ em từ 12 tuổi trở lên: Uống 10 mg (1 viên thuốc) mỗi lần, dùng 1 lần/ngày
- Trẻ em từ 2-12 tuổi
Trọng lượng cơ thể > 30kg cân nặng: Uống 10 mg/lần/ngày.
Trọng lượng cơ thể < 30kg cân nặng: uống 5 mg/lần/ngày.
- An toàn và hiệu quả của thuốc trên trẻ em dưới 2 tuổi chưa được xác định.
Thuốc kháng Histamin thế hệ 2 Loratadin khi sử dụng để điều trị dị ứng thời tiết thường không gây ra các tác dụng phụ, nếu có thì chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ nhàng như: khô miệng, đau đầu. Nếu người sử dụng có xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác, hãy liên hệ ngay với bác sĩ hoặc dược sĩ chuyên môn để được xử lý kịp thời.
Loratadin được ưu tiên sử dụng trong điều trị dị ứng thời tiết do làm giảm nhanh các triệu chứng và ít gây ra các tác dụng phụ
2.1.2 Thuốc kháng Histamin Zyrtec 0.1%
Thuốc Zyrtec 0.1% là sản phẩm có xuất xứ từ Thụy Sỹ, thuốc có chứa hoạt chất chính là Cetirizin-thuộc nhóm kháng histamin dùng trong điều trị các bệnh lý dị ứng trong đó có dị ứng do thời tiết.
Thuốc Zyrtec 0.1% được sử dụng qua đường uống, chỉ định dùng cho người lớn và trẻ em với liều lượng cụ thể như sau:
- Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên:
Liều thường dùng là 10 ml dung dịch mỗi lần, dùng 1 lần/ngày.
Liều khởi đầu 5 ml có thể được khuyến cáo nếu ở liều dùng này thuốc có thể kiểm soát được các triệu chứng bệnh.
- Trẻ em dưới 12 tuổi:
Trẻ em từ 2 đến 6 tuổi: 2,5 ml dung dịch uống mỗi lần, sử dụng 2 lần/ngày.
Trẻ em từ 6 đến 12 tuổi: 5 ml dung dịch uống mỗi lần, dùng 2 lần/ngày.
Cũng giống như Loratadin, thuốc Zyrtec 0.1% với hoạt chất là cetirizin khi sử dụng liều khuyến cáo thường không gây ra các tác dụng không mong muốn hoặc có thể chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ như: Buồn ngủ, mệt mỏi hoặc choáng váng và nhức đầu.
Dung dịch uống Zyrtec có tác dụng điều trị các triệu chứng viêm mũi dị ứng, thuốc bào chế dạng dung dịch nên thuận tiện và phù hợp cho đối tượng trẻ nhỏ
2.1.3 Siro Neocilor điều trị dị ứng thời tiết, dùng được cho trẻ từ 6 tháng tuổi
Siro Neocilor có thành phần hoạt chất là Desloratadine - thuốc kháng Histamin thế hệ 2, được sử dụng rộng rãi để điều trị dị ứng thời tiết do có ưu điểm không gây tác dụng phụ buồn ngủ như các thuốc kháng histamin thế hệ 1.
Cách dùng và liều dùng của siro Neocilor trong điều trị dị ứng thời tiết
Cách dùng: Thuốc có thể được uống trong hoặc sau bữa ăn, tuy nhiên, thuốc thường được uống sau bữa ăn để tăng tuân thủ sử dụng thuốc.
Liều dùng
- Trẻ em từ 6-11 tháng: 2ml thuốc desloratadine/ 1 ngày.
- Trẻ em từ 12 tháng - 5 tuổi: 2,5 ml desloratadin (khoảng 2 thìa cà phê)/ 1 ngày.
- Trẻ em từ 6-11 tuổi: 5 ml desloratadin (khoảng 2 thìa cà phê)/ 1 ngày.
- Người lớn và trẻ từ 12 tuổi trở lên: 10 ml desloratadine (khoảng 4 thìa cà phê)/ 1 ngày.
Cũng giống như các thuốc khác thuộc nhóm kháng Histamin H1 thế hệ 2, nhìn chung thuốc desloratadine được dung nạp tốt, ít gây ra các tác dụng phụ. Những phản ứng phụ mà bạn có thể gặp phải trong suốt thời gian sử dụng desloratadine là: mệt mỏi, khô miệng, nhức đầu.
Siro Neocilor là thuốc thuộc danh mục thuốc kê đơn, chỉ sử dụng khi có chỉ định và đơn thuốc của bác sĩ.
Neocilor Syrup có thành phần hoạt chất là Desloratadin được sử dụng để điều trị các triệu chứng của dị ứng thời tiết, thuốc sử dụng được cho trẻ em từ 6 tháng tuổi
2.1.4 Thuốc Clorpheniramin 4 mg trong điều trị các triệu chứng dị ứng thời tiết
Thuốc điều trị các triệu chứng của dị ứng thời tiết Clorpheniramin thuộc nhóm thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 1, mặc dù thuốc gây buồn ngủ (từ ngủ gà đến ngủ sâu) nhưng hiện nay thuốc vẫn được sử dụng rộng rãi.
Cách dùng và liều dùng của Clorpheniramin 4 mg trong điều trị dị ứng thời tiết:
Cách dùng: Thuốc Clorpheniramin 4mg được dùng đường uống, uống trước hay sau bữa ăn đều được.
Liều dùng
- Dùng cho người lớn và trẻ em lớn hơn 12 tuổi: Uống 1 viên (4 mg) mỗi 4-6 giờ. Liều tối đa sử dụng là 6 viên/ngày ( tương đương 24 mg/24h).
- Ở người già: Cần xem xét hiệu chỉnh liều thấp hơn so với khi sử dụng thuốc cho người lớn do rất dễ xảy ra các tác dụng phụ kháng cholin trên hệ thần kinh.
- Trẻ em từ 6-12 tuổi: Uống 1/2 viên mỗi 4-6 giờ. Liều tối đa sử dụng thuốc là 3 viên/ngày (tương đương 12mg/24h).
Khi sử dụng thuốc Clorpheniramin 4 mg bạn có thể gặp các tác dụng phụ như: Ngủ gà, an thần, khô miệng. Đặc biệt lưu ý tác dụng phụ buồn ngủ của thuốc do thuốc. Cần tránh sử dụng cho người đang lái xe hoặc làm công việc điều khiển máy móc.
Clorpheniramin được sử dụng để điều trị các triệu chứng của nhiều loại bệnh lý dị ứng khác nhau, trong đó có dị ứng thời tiết
2.2 Top 3 thuốc bôi chống dị ứng thời tiết hiệu quả và an toàn
2.2.1 Kem bôi da Phenergan hỗ trợ điều trị ngứa, kích ứng da do dị ứng thời tiết
Kem bôi da Phenergan có thành phần hoạt chất là Promethazine-thuốc kháng histamin, giúp điều trị ngứa, mẩn đỏ khi bị dị ứng thời tiết.
Liều dùng và cách dùng kem bôi da Phenergan trong điều trị dị ứng thời tiết
Cách dùng: Thuốc được dùng bôi ngoài da.
Liều dùng: Bôi thuốc thành lớp mỏng, từ 3 - 4 lần mỗi ngày. Hãy dùng ngay càng sớm càng tốt khi bạn quên bôi một liều thuốc. Tuy nhiên, nếu gần với lần bôi kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và sử dụng liều kế tiếp vào thời gian như kế hoạch. Không được bôi gấp đôi liều thuốc đã quy định.
Cũng giống như các loại thuốc khác, khi sử dụng thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ như gây mẫn cảm ở da hoặc mẫn cảm với ánh sáng do người dùng bị dị ứng với các chất thành phần khác nhau trong chế phẩm thuốc: promethazin, methyl parahydroxybenzoate, lanolin…
Kem bôi da Phenergan có tác dụng điều trị các triệu chứng của dị ứng thời tiết trên da như: ngứa, nổi mẩn
2.2.2 Thuốc mỡ bôi trên da tacrolimus Ointment trong điều trị các triệu chứng trên da do dị ứng thời tiết
Tacrolimus Ointment được bào chế dưới dạng thuốc mỡ bôi ngoài da điều trị viêm da do dị ứng. Thuốc chứa thành phần hoạt chất tacrolimus monohydrate có tác dụng ức chế miễn dịch theo cơ chế ngăn chặn sản xuất interleukin-2. Thuốc điều trị được nhiều bệnh lý dị ứng trên da, tuy nhiên, thuốc có hoạt lực rất mạnh và dễ gây ra các tác dụng phụ.
Liều dùng và cách dùng Tacrolimus Ointment trọng điều trị các triệu chứng trên da do dị ứng thời tiết:
Tacrolimus Ointment không nên dùng để điều trị liên tục kéo dài. Nên bắt đầu sử dụng thuốc khi xuất hiện triệu chứng bệnh. Vùng da tổn thương cần điều trị đến khi hết hoặc chỉ còn tổn thương nhẹ. Sau đó người bệnh sẽ được sử dụng liều điều trị duy trì.
Cách dùng Tacrolimus Ointment: Người sử dụng bôi 1 lớp mỏng thuốc mỡ lên vùng da tổn thương, hai lần mỗi ngày và xoa nhẹ nhàng để thuốc thấm sâu và đều vào da. Có thể bôi thuốc mỡ tacrolimus lên bất kỳ vùng da nào bao gồm mặt, cổ và các vùng nếp gấp (trừ niêm mạc). Khi sử dụng thuốc, không được băng kín vùng bôi thuốc.
Tác dụng phụ của thuốc Tacrolimus Ointment bạn có thể gặp phải trong quá trình sử dụng:
- Trên da: Nóng rát, đau nhói, viêm nang lông, ngứa, đỏ da, trứng cá.
- Hệ thần kinh: Tăng nhạy cảm trên da, đặc biệt là nhạy cảm với nóng và lạnh.
- Toàn cơ thể: Đỏ bừng mặt hoặc kích ứng da sau khi bạn sử dụng đồ uống chứa cồn do không dung nạp.
Thuốc mỡ bôi trên da Tacrolimus Ointment là thuốc thuộc danh mục kê đơn nên cần có đơn thuốc của bác sĩ thì bạn mới được sử dụng.
Thuốc mỡ bôi điều trị triệu chứng trên da do dị ứng thời tiết Tacrolimus Ointment
2.2.3 Thuốc bôi trên da Betnovate
Betnovate có thành phần hoạt chất là Betamethasone thuộc nhóm thuốc có chứa corticosteroid. Thuốc bôi trên da Betnovate điều trị các vết mẩn đỏ, sưng tấy, ngứa ngáy hay khó chịu do dị ứng thời tiết gây ra.
Cách dùng và liều dùng thuốc bôi trên da Betnovate
Thời gian điều trị bằng thuốc Betnovate không được kéo dài vì có thể ảnh hưởng đến da. Không sử dụng thuốc trên các vùng da mỏng có vết thương hở hay giác mạc.
Liều sử dụng thuốc Betnovate khác nhau ở mỗi bệnh nhân phụ thuộc vào tình trạng người bệnh và mức độ triệu chứng. Thông thường khi sử dụng thuốc bôi lên vùng da cần điều trị đều đặn hàng ngày, từ 1 - 3 lần mỗi ngày.
Một số tác dụng phụ bạn có thể gặp phải khi sử dụng thuốc bôi trên da Betnovate:
- Khi dùng thuốc có thể gây ra mẩn ngứa hoặc châm chích
- Vùng da sử dụng thuốc dễ bị tổn thương hoặc tụ máu
- Phồng rộp da
- Tróc da
Thuốc Betnovate là thuốc thuộc danh mục kê đơn nên cần có chỉ định của bác sĩ thì bạn mới được sử dụng.
Thuốc bôi trên da Betnovate điều trị nhiều triệu chứng trên da như nổi mẩn, ngứa ngáy
3. Lưu ý khi sử dụng thuốc chống dị ứng thời tiết
- Chỉ sử dụng thuốc chống dị ứng thời tiết khi đã được sự tư vấn của bác sĩ/ dược sĩ và được chỉ định dùng thuốc.
- Không được tự ý sử dụng thuốc chống dị ứng thời, đặc biệt là nhóm thuốc corticoid vì khi lạm dụng sẽ gây ra rất nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng.
- Không lạm dụng sử dụng thuốc chống dị ứng trong thời gian dài khi không được chỉ định.
- Lưu ý không thể điều trị dứt điểm dị ứng thời tiết vì đây là bệnh lý liên quan tới cơ địa và hệ miễn dịch của mỗi người. Đối với người bị dị ứng thời tiết, cần hạn chế tiếp xúc với các yếu tố thời tiết bất lợi và sử dụng thuốc điều trị triệu chứng theo từng đợt.
- Phòng bệnh tốt hơn là chữa bệnh, do đó người bệnh cần tránh các tác nhân gây dị ứng. Người bị dị ứng nên hạn chế tiếp xúc với phấn hoa, khói bụi, lông động vật (chó, mèo) và tuyệt đối không hút thuốc lá hoặc các chất kích thích (đồ uống có cồn) để tránh tình trạng dị ứng trở nên trầm trọng.
- Lưu ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng, lưu ý các tác dụng phụ có thể gặp phải để có những biện pháp xử lý phù hợp. Ví dụ như khi uống thuốc kháng Histamin thế hệ 1 gây buồn ngủ thì nên hạn chế làm việc liên quan đến lái xe, máy móc..
- Mua thuốc tại các cơ sở y tế, trang web uy tín để đảm bảo chất lượng. Không dùng thuốc bao bì bị rách/hở, thuốc có màu sắc bị thay đổi, bị ẩm mốc…hoặc các dấu hiệu bất thường khác.
4. Biện pháp hỗ trợ điều trị và phòng ngừa dị ứng thời tiết
- Chế độ ăn uống khoa học, nên ăn nhiều rau xanh, uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, cung cấp vitamin bằng cách sử dụng thực phẩm và nước ép hoa quả, giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể có tác dụng chống lại các bệnh dị ứng.
- Thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao nhằm tăng cường sức khỏe.
- Không hút thuốc lá và hạn chế uống bia rượu, tránh tiếp xúc với khói bụi và phấn hoa, lông chó mèo. Người bệnh bị dị ứng thời tiết nên đeo khẩu trang và mặc quần áo dài tay khi ra ngoài.
- Duy trì ổn định nhiệt độ của cơ thể, mặc ấm khi trời lạnh và làm mát cơ thể khi trời nóng, đặc biệt lưu ý đảm bảo sức khỏe vào thời điểm giao mùa. Khi sử dụng điều hòa không nên chỉnh nhiệt độ quá cao hoặc thấp, chỉ nên chênh lệch từ 1-2 độ C so với thời tiết bên ngoài.
- Tránh đến những nơi quá đông người, không khí ô nhiễm, ngột ngạt, tiềm tàng nhiều dị nguyên.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm: Khi dị ứng thời tiết vào giai đoạn chuyển mùa hoặc khi thời tiết quá lạnh làm khô da, kích ứng, bệnh nhân nên sử dụng kem dưỡng ẩm để làm mềm và giúp cải thiện hàng rào bảo vệ da, từ đó làm giảm ngứa ngáy, kích ứng.
- Xông mũi bằng tinh dầu thảo dược thiên nhiên: Để làm giảm các triệu chứng ở đường hô hấp, bệnh nhân nên xông mũi bằng tinh dầu thảo dược tự nhiên như: Tinh dầu gừng, tinh dầu tràm trà, chè xanh, lá chanh… Xông mũi bằng thảo dược giúp làm loãng dịch tiết hô hấp, đồng thời giúp loại bỏ các chất dị ứng ứ đọng tại niêm mạc.
Medigo app vừa chia sẻ cho bạn những thông tin về top 7 thuốc uống, thuốc bôi chống dị ứng thời tiết và lưu ý khi sử dụng chúng. Hy vọng với nội dung bài viết, bạn sẽ có thêm những kiến thức hữu ích về các loại thuốc chống dị ứng thời tiết, lựa chọn được sản phẩm phù hợp và sử dụng đúng cách cũng như ghi nhớ được lưu ý khi sử dụng chúng.
Các thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế chẩn đoán y khoa. Nếu bạn có những vấn đề về sức khỏe cần được tư vấn, liên hệ đội ngũ Bác sĩ của chúng tôi thông qua HOTLINE hoặc ứng dụng MEDIGO.
Trải nghiệm ngay các tiện ích trên ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa MEDIGO. Tải App TẠI ĐÂY.
Đánh giá bài viết này
(6 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm