Top 5+ thuốc bôi trị mụn tuổi dậy thì hiệu quả, giá rẻ
Ngày cập nhật
Mụn là một loại bệnh da liễu dễ tái phát. Ở độ tuổi dậy thì, mụn khiến nhiều bạn trẻ lo lắng bởi sau khi qua độ tuổi đó mụn không hề thuyên giảm, thậm chí còn kéo dài đến tuổi thanh niên. Bên cạnh đó, thuốc trị mụn của bệnh viện da liễu đều được kê đơn dựa trên mức độ bệnh lý của từng người. Mỗi đơn thuốc được dùng thay đổi theo chiều hướng tăng hoặc giảm của tình trạng mụn. Điều trị mụn tuân theo 2 nguyên tắc cơ bản là điều trị theo cơ chế gây ra mụn (nguyên nhân gây mụn) và điều trị theo mức độ nặng nhẹ của bệnh. Trong bài viết này, hãy cùng Medigo tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng mụn bạn đang gặp phải nhé.
1. Mụn tuổi dậy thì là gì?
Mụn dậy thì là một dạng mụn nội tiết tố, xuất hiện ở độ tuổi cơ thể dậy thì (13 - 18 tuổi).
Ở tuổi dậy thì hoặc thanh thiếu niên, cơ thể tăng sản xuất một loại hormone gọi là androgen. Hormone kích thích sản xuất chất nhờn gọi là bã nhờn làm cho da bóng nhờn. Chất này trộn lẫn với các tế bào da chết và lông tụ lại với nhau gây ra khối tắc nghẽn nang lông. Sự tích tụ của các tế bào da, dầu và lông tụ lại với nhau gây ra khối tắc nghẽn nang lông, tạo thành những mụn nhỏ, xếp liên tục nhau.
2. Các vị trí mụn dậy thì thường xuất hiện
Vùng má: Vùng da 2 bên má cực kỳ nhạy cảm và luôn luôn chịu tác động của các điều kiện tự nhiên. Do đó, vi khuẩn rất dễ bám vào và gây nên các tình trạng viêm nhiễm, tổn thương. Từ đó gây nên các loại mụn
Vùng trán: Trán là vùng có rất nhiều tuyến bã nhờn. Dễ tích tụ gây nên tình trạng bít tắc lỗ chân lông. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm lấn và tấn công gây nên mụn
Vùng cằm: Cằm là vị trí mà tay rất thường xuyên động chạm vào. Điều này khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào và tạo điều kiện để vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Chúng sẽ nhanh chóng lan ra các vùng xung quanh và gây nên tình trạng viêm nhiễm, mụn bọc, mụn sưng tấy…
3. Phân biệt các loại mụn
Mụn đầu đen: Xuất hiện ở các khu vực có tuyến bã nhờn hoạt động mạnh như hai bên cánh mũi, trán. Nhân mụn là sự kết hợp giữa bụi bẩn, chất nhờn, vi khuẩn và tế bào chết được đẩy lên trên bề mặt lỗ chân lông. Quá trình oxy hóa khi tiếp xúc với không khí khiến đầu nhân mụn chuyển thành màu đen.
Mụn đầu trắng: Mụn nằm trong lỗ chân lông kín, không tiếp xúc với bên ngoài nên có màu trắng, nhân mụn cứng. Mụn không sưng đỏ, chỉ gây sần sùi trên bề mặt da. Bạn sẽ cảm nhận rõ khi sờ vào bằng tay. Nhân mụn trắng, nằm dưới da, cứng hoặc chưa có miệng cồi.
Sợi, tuyến bã nhờn: Các sợi tuyến bã nhờn không phải là một dạng mụn nhưng nó thường xuyên bị nhầm lẫn với mụn đầu đen. Các sợi bã nhờn này có thể được thấy rõ ràng nhất ở vùng xung quanh mũi. Bản chất của các sợi, tuyến bã nhờn này là các ống nhỏ chứa bã nhờn. Khi da tiếp xúc với các tác nhân bên ngoài (khói, bụi…) sẽ khiến chúng bị oxy hóa và có màu đen, nâu sẫm.
Mụn mủ: Nhân mụn chứa nhiều mủ màu trắng hoặc vàng. Nó khiến da bị sưng tấy. Loại mụn này rất dễ bị vỡ ra để lại sẹo lõm và vết thâm.
Mụn bọc: Mụn có kích thước to, sưng đỏ, gây đau nhức. Chân mụn có thể ăn sâu và lan rộng vào tận trong lớp hạ bì của da.
4. Nguyên nhân gây nên mụn
Nội tiết tố (hormone): Vào tuổi dậy thì, các hormone sinh dục tăng cao khiến tuyến bã (tuyến nhờn) hoạt động mạnh. Khi có nhiều bã nhờn được tiết ra, miệng tuyến bã có thể bị tắc nghẽn dẫn đến hình thành mụn. Không chỉ ở tuổi dậy thì mà trước chu kỳ kinh nguyệt, lượng hormone bị xáo trộn nên cũng dễ bị mụn…
Sự căng thẳng, stress: Căng thẳng kéo dài có thể làm ảnh hưởng đến sự cân bằng hormone dẫn đến mụn
Chế độ ăn uống: Ăn nhiều đường, nhiều chất béo, dầu mỡ
Thiếu ngủ, thức khuya: Một giấc ngủ sâu là rất cần thiết để toàn bộ cơ thể nghỉ ngơi, đồng thời là giai đoạn để cơ thể giải độc
Môi trường tiếp xúc: Môi trường ô nhiễm, bụi bẩn bám vào da mà không được làm sạch thì dễ dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông sinh mụn
Mỹ phẩm - hóa chất: Sử dụng mỹ phẩm sai cách, không phù hợp với loại da có thể dẫn đến xuất hiện mụn hoặc làm nặng tình trạng mụn sẵn có
Lạm dụng tẩy tế bào chết: Tẩy tế bào chết giúp bạn hạn chế yếu tố gây mụn. Tuy nhiên, nếu tẩy tế bào chết quá thường xuyên sẽ khiến da khô sần, kích ứng và khiến da bị mụn càng trầm trọng hơn
Nặn mụn thường xuyên bằng tay trần: Tay chứa rất nhiều vi khuẩn, khi lấy tay trần nặn mụn vô tình mang vi khuẩn để lại trên mặt khiến da bóng dầu, bít tắc lỗ chân lông
Lười gội đầu: Mái tóc bóng dầu thì trong lúc gội đầu, dầu trên tóc có thể chảy xuống gương mặt của bạn và gây ra mụn. Do đó, hãy gội đầu thường xuyên để loại bỏ lượng dầu thừa trên trán, mặt và vùng gáy ở lưng
Để tóc mái quá dày: Khi tóc mái quá dày lại thêm tóc bết thì rất dễ làm cho vùng trán đổ dầu, làm tắc lỗ chân lông dẫn đến mụn
Chăn gối, drap giường không thay thường xuyên: tác nhân gây nên mụn vì khi nằm, mồ hôi tích tụ vào chăn gối làm cho vi khuẩn có cơ hội phát triển
5. Một số biện pháp hỗ trợ điều trị mụn
Không nặn mụn bừa bãi: Chỉ nên nặn mụn khi nhân mụn đã chín. Thay vì dùng tay, hãy sử dụng các dụng cụ chuyên biệt đã được khử trùng kỹ càng. Hãy xông hơi trước khi nặn mụn để lỗ chân lông giãn nở hết cỡ, tạo điều kiện cho nhân mụn trồi hẳn ra ngoài sẽ lấy ra dễ dàng hơn.
Chăm sóc da mặt đúng cách: Cần rửa mặt ít nhất 2 lần/ngày. Dùng nước sạch rửa cùng sữa rửa mặt trị mụn, da được vệ sinh thường xuyên sẽ giúp giải phóng lỗ chân lông khỏi sự bít tắc do bụi bẩn, vi khuẩn và chất bã nhờn gây ra.
Tránh dùng thức ăn nhanh, đồ ngọt, món ăn cay nóng, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ
Tăng cường ăn rau xanh, hoa quả, chất xơ
Bổ sung vitamin và khoáng chất để làn da có sức đề kháng tốt hơn trước các tác nhân gây mụn
Đi ngủ sớm, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, xây dựng lối sống lành mạnh
Có kế hoạch học tập, làm việc hợp lý để đầu óc không bị căng thẳng, stress quá mức
Thường xuyên dọn dẹp, lau chùi nhà và không gian sống
Thay drap giường, chăn gối thường xuyên, phơi nệm ngoài nắng để tiêu diệt vi khuẩn
Tẩy tế bào chết mỗi tuần một lần
Thoa kem chống nắng hằng ngày và tẩy trang trước khi đi ngủ
Sử dụng kết hợp sản phẩm Dược mỹ phẩm phù hợp với loại da và tình trạng mụn
6. Lưu ý khi dùng thuốc bôi trị mụn
Không được nặn chích mụn ở giai đoạn đang viêm, mụn chưa hóa mủ để tránh biến chứng nhiễm khuẩn
Cần vệ sinh sạch sẽ, khô thoáng vùng da bị mụn trước khi bôi thuốc
Trước khi dùng thuốc, cần đi khám chuyên khoa da liễu để có chỉ định dùng thuốc thích hợp. Tùy trường hợp, bác sĩ có thể cho dùng thuốc bôi, thuốc uống hay kết hợp với các phương pháp khác
Thuốc bôi trị mụn làm giảm mụn mà không loại bỏ tận gốc nhân mụn. Vì vậy, khi ngừng sử dụng mụn có thể quay trở lại
7. Một số loại thuốc bôi trị mụn cho tuổi dậy thì
7.1 Acid salicylic
Giúp giảm mụn bằng cách tẩy tế bào chết trên da và giữ cho lỗ chân lông thông thoáng. Hoạt chất này có tác dụng tốt trên các loại mụn không viêm như mụn đầu đen và mụn đầu trắng, đồng thời giúp ngăn ngừa tái phát mụn.
Liều dùng: Chấm lên vùng mụn vào buổi tối mỗi ngày một lần vào buổi tối. Làm ẩm vùng da trong 5 phút trước khi sử dụng. Rửa sạch vào buổi sáng.
Lưu ý khi dùng thuốc:
Thuốc thường phát huy tác dụng sau 6 tuần sử dụng
Thuốc có thể làm khô da nên hãy sử dụng thêm kem dưỡng
Bôi acid salicylic lên vùng da nhỏ trước khi điều trị để kiểm tra tình trạng kích ứng
7.2 Benzoyl peroxide
Benzoyl peroxide có tác dụng chống viêm, ngăn mụn, điều trị mẩn đỏ. Ngoài ra còn giúp lỗ chân lông thông thoáng và hỗ trợ chăm sóc da phát triển
Liều dùng: Bôi một lớp mỏng lên vùng da bị mụn 1 -2 lần mỗi ngày
Lưu ý khi dùng thuốc:
Hãy sử dụng kem chống nắng trước, che chắn khi ra ngoài
Nếu dùng thuốc da bị khô thì hãy dùng thêm kem dưỡng ẩm để da mặt được dưỡng ẩm, cân bằng
Nếu dùng thuốc da bị bong tróc, đỏ thì ngừng sử dụng trong vài ngày cho đến khi hết kích ứng, sau đó bắt đầu lại
Thuốc phát huy tác dụng trong vòng 4 tuần
Khi tình trạng mụn đã được kiểm soát, người dùng có thể tiếp tục dùng để ngăn ngừa mụn tái phát
7.3 Acid Azelaic
Có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm, có công dụng trong điều trị các bệnh về da thường gặp như mụn trứng cá. Ngoài ra Acid azelaic giúp ngăn ngừa mụn tái phát, làm thông thoáng và sạch lỗ chân lông, nhờ đó hạn chế mụn hiệu quả.
Liều dùng: Bôi 2 lần mỗi ngày vào sáng và tối
Lưu ý:
Thuốc ít làm kích ứng da nên có thể phù hợp ngay cả với những bạn có làn da nhạy cảm
Dùng kem chống nắng khi ra ngoài là cần thiết, vì có thể khiến da bị mỏng, khiến da nhạy cảm và dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
Có tác dụng hiệu quả khi kết hợp với Axit alpha - hydroxy (AHA), axit beta - hydroxy (BHA) và retinol
Acid Azelaic có thể sẽ gây ra những thay đổi về màu da của bạn, đặc biệt là nếu bạn có nước da sậm màu
Là hoạt chất lành tính nên phù hợp với hầu hết các loại da, kể cả da nhạy cảm
7.4 Retinol
Retinol có bản chất là một chất chống oxy hóa mạnh, hiệu quả trong việc điều trị mụn, làm mờ vết nhắn, mang lại làn da mịn màng vượt trội, loại tế bào da chết, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các tế bào da mới.
Liều dùng: Dùng 1 tuần/lần trong thời gian đầu sử dụng. Sau đó có thể linh hoạt tăng dần tần suất dùng sản phẩm. Sau một tháng, khi da đã hoàn toàn làm quen với hoạt động của dẫn xuất vitamin a này bạn có thể dùng chúng vào mỗi tối.
Lưu ý khi dùng thuốc:
Nếu sử dụng các sản phẩm có chứa nồng độ acid như AHA, BHA, serum vitamin c cùng lúc với Retinol thì hãy đợi 30 phút thì mới chuyển sang các bước chăm sóc da tiếp theo
Luôn sử dụng kem chống nắng tránh bị cháy nắng
Nếu là lần đầu tiên sử dụng các sản phẩm có retinol, bạn nên sử dụng chúng ở nồng độ phần trăm thấp nhất, sau đó tăng dần theo thời gian và nhu cầu làn da
Nếu da nhạy cảm, nên tăng cường dưỡng ẩm và phục hồi kèm theo để da đủ khỏe và giảm tình trạng kích ứng.
7.5 Adapalene
Điều trị mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình, mụn bọc, mụn sần và mụn mủ
Liều dùng: Sau khi đã rửa sạch vùng da bị mụn, bôi một lớp mỏng trên vùng da bị mụn
Lưu ý khi dùng thuốc:
Tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời, cần che chắn, bôi kem chống nắng khi ra ngoài
Nếu có tiền sử mắc ung thư hay bệnh eczema hãy cho bác sĩ biết để được chỉ định dùng thuốc an toàn và hiệu quả hơn
Trong quá trình dùng thuốc Adapalene không được sử dụng sáp nóng để nhổ lông (wax lông)
Tình trạng mụn ở tuổi dậy thì không chỉ là vấn đề da liễu mà còn có thể gây nhiều ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ nếu không theo dõi, điều trị kịp thời. Trong trường hợp nặng, việc điều trị chuyên sâu da liễu là cần thiết. Trước khi sử dụng sản phẩm cần tham vấn ý kiến của bác sĩ để sử dụng phù hợp với tình trạng da.
Hy vọng các thông tin chia sẻ về những loại thuốc trị mụn dành cho các bạn đang tuổi dậy thì trên sẽ hữu ích với bạn. Lưu ý các thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế chẩn đoán y khoa. Nếu bạn có những vấn đề về sức khỏe cần được tư vấn, liên hệ đội ngũ Bác sĩ của chúng tôi thông qua HOTLINE hoặc ứng dụng MEDIGO.
Trải nghiệm ngay các tiện ích trên ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa MEDIGO. Tải App TẠI ĐÂY.
Đánh giá bài viết này
(8 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm