lcp

Râu Ngô


Râu ngô hay còn được gọi là Ngọc mễ tu, thuộc họ Lúa (Poaceae) với tên khoa học là Stigmata maydis. Trong y học, Râu ngô có tác dụng thanh nhiệt, lợi niệu, hạ huyết áp, hạ đường huyết, cầm máu và lợi mật.

Là một loài dược liệu rất quen thuộc và được sử dụng làm bài thuốc từ rất lâu trong dân gian, tuy nhiên, Râu ngô nếu không dùng đúng cách và đúng liều lượng có thể gây ra những tác dụng không mong muốn. Vì vậy, hãy cùng Medigo tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của Râu ngô cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng đọc thêm trong bài viết dưới đây.

 

Thông tin chung

Tên Tiếng Việt: Râu ngô.

Tên khác: Ngọc mễ tu.

Tên khoa học: Stigmata maydis.

Họ: Lúa (Poaceae).

Mô tả cây Ngô

Ngô là cây thân thảo cao khoảng 2 – 3 m. Thân ngô đặc và có các đốt.

Râu ngô chính là vòi nhụy và núm hoa ngô, có màu vàng sáng. Râu ngô dài và sau khi phơi khô có màu nâu vàng.

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Cây ngô được phân bố rộng rãi trên khắp các nước. Ngô có nguồn gốc từ châu Mỹ và tại đây, loài thực vật này được trồng rất nhiều để làm lương thực. Ở Việt Nam, ngô được trồng nhiều khắp các đồng bằng và miền núi.

Mùa hoa quả của ngô từ tháng 6 – 8. Râu ngô được hái khi thu hoạch ngô, bỏ những sợi râu ngô màu đen, sau đó có thể đem phơi khô hoặc dùng tươi đều được.

Bộ phận sử dụng

Râu ngô hay còn gọi là vòi nhụy là bộ phận được ứng dụng làm thuốc.

Thành phần hóa học

Râu ngô có chứa stigmasterol, sitosterol, saponin, lipid, tinh dầu, glucoside, chất nhầy, allantoin, đường, vitamin C, vitamin K, kali, canxi (20g râu ngô khô chứa 0,532g kali và 0,028g canxi).

Tác dụng của Râu ngô

Theo y học cổ truyền

Râu ngô có vị ngọt, tính bình. Dược liệu này quy vào 2 kinh thận và bàng quang.

Râu ngô có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, tiêu thũng, tăng thải trừ clorid, tăng sự bài tiết mật, làm lỏng dịch mật và giảm nồng độ các chất trong dịch mật, giảm bilirubin máu. Ngoài ra, râu ngô còn làm tăng prothrombin máu dẫn đến làm máu chóng đông.

Theo y học hiện đại

Theo các nghiên cứu, râu ngô đã được ứng dụng để điều trị các bệnh về viêm gan, viêm túi mật, rối loạn bài tiết dịch mật, sỏi túi mật, vàng da, phù thũng, tăng huyết áp. Ngoài ra, râu ngô với công dụng lợi tiểu còn được sử dụng trong các trường hợp bí tiểu, tiểu buốt, viêm đường tiết niệu, sỏi thận, sỏi bàng quang, đau thận, tê thấp, bệnh tim.

Râu ngô ủ lên men có tác dụng hạ đường huyết.

Râu ngô còn được dùng phối hợp với vitamin K để cầm máu, chống xuất huyết.

Liều lượng và cách dùng Râu ngô

Râu ngô được dùng dưới dạng cao lỏng hoặc hãm với nước sôi uống như trà. Liều khuyên dùng là 10 – 20g/ngày.

Cắt nhỏ 10g râu ngô, hãm với 200ml nước sôi rồi uống từ 1 – 3 muỗng súp mỗi 3 – 4 giờ. Với dạng cao lỏng râu ngô, thường đựng trong từng lọ nhỏ khoảng 20g. Uống trước bữa ăn 30 – 40 giọt/lần x 2 – 3 lần/ngày.

Bài thuốc chữa bệnh từ Râu ngô

Chữa viêm thận, viêm bàng quang

Sắc uống 1 thang/ngày theo liều lượng sau: 100g râu ngô, 40g sài đất, 50g mã đề, 50g ý dĩ, 50g rau má.

Chữa phù thũng, viêm thận, viêm gan tắc mật, vàng da

Sắc uống mỗi ngày 40g râu ngô

Chữa cao huyết áp

Uống nước râu ngô 2 – 3 lần/ngày, liên tục trong vòng 2 – 3 tháng.

Chữa viêm túi mật, sỏi mật

Sắc uống mỗi ngày theo liều lượng sau: 30 g râu ngô, 30 g nhân trần bắc.

Chữa sỏi thận

Đun sôi nhỏ lửa 10g râu ngô với 300ml nước trong 30 phút. Hoặc đun cách thủy 10g râu ngô với 200ml nước trong 30 phút. Uống 20 – 60ml/lần trước bữa ăn chính 3 – 4 giờ.

Hỗ trợ chữa tiểu đường

Sắc lấy nước uống mỗi ngày 40 – 50g râu ngô, có thể phối hợp với cỏ ngọt, tri mẫu, thiên môn, mạch môn.

Chữa chứng ho ra máu

Nấu 50g râu ngô cùng 50g đường phèn, chia làm 2 lần uống sáng và tối trong ngày, uống liên tục trong 5 ngày.

Giúp đông máu, chữa xuất huyết (băng huyết, chảy máu chân răng, tiểu ra máu…)

Sắc nước râu ngô uống hàng ngày.

Lưu ý khi sử dụng Râu ngô

Không uống nước râu ngô quá nhiều lần trong ngày hoặc liên tục trong thời gian dài mà không có chỉ định của thầy thuốc có chuyên môn. Không dùng chung dược liệu này với các loại thảo dược hay các thuốc có cùng tác dụng lợi tiểu.

Trước khi dùng cho trẻ em, phụ nữ có thai, bệnh nhân suy thận cần hỏi ý kiến bác sĩ và nếu dùng không được quá liều chỉ định.

Rửa thật sạch bụi và thuốc trừ sâu trong râu ngô trước khi sử dụng.

Bảo quản Râu ngô

Bảo quản dược liệu ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt và ẩm mốc.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Râu ngô. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Râu ngô là dược liệu lành tính được sử dụng rộng rãi để thanh nhiệt và bài trừ độc. Tuy nhiên, khi sử dụng Râu ngô cần chú ý liều lượng và nguồn gốc dược phẩm để tránh các tác dụng phụ đến sức khỏe của người dùng.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Ngô Ngọc Cẩm Tú

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Dược sĩ Ngô Ngọc Cẩm Tú có hơn 8 năm kinh nghiệm Dược, có chuyên môn sâu về tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc cho người bệnh, đánh giá chất lượng sản phẩm qua phản hồi của khách hàng, xây dựng và cập nhật các tài liệu nghiệp vụ của bộ phận.