lcp

Bạch Hạc


Bạch hạc hay còn được gọi là Cây lác, Kiến cò… thuộc họ Acanthaceae (Ô rô) với tên khoa học là Rhinacanthus nasutus (L.) Kurz. Don. Trong Đông y, Bạch hạc có tác dụng điều trị cảm mạo phong nhiệt, sốt cao, đau đầu, tai ù, điếc, sốt vàng da, tiểu tiện vàng đỏ, đái rắt, đái buốt, phù thũng, lở ngứa, dị ứng.

Là một loại cây mọc hoang nhưng từ lâu Bạch hạc đã được sử dụng làm bài thuốc trong y học dân gian. Tuy nhiên, nếu không dùng đúng cách và đúng liều lượng có thể gây ra những tác dụng không mong muốn. Vì vậy, hãy cùng Medigo tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Bạch hạc cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Thông tin chung

Tên Tiếng Việt: Bạch hạc.

Tên khác: Kiến cò, Cây lác, Uy linh tiên.

Tên khoa học: Rhinacanthus nasutus (L.) Kurz.

Họ: Acanthaceae (Ô rô).

Mô tả cây Bạch hạc

Cây nhỡ cao 1,5 m, thân mọc thẳng đứng, có nhiều cành. Lá mọc đối có cuống, phiến lá hình trứng thuôn dài, phía cuống tù, đầu nhọn, dài 2 - 9 cm, rộng 1 - 3 cm, mặt trên nhẵn, mặt dưới hơi có lông mịn. Hoa nhỏ, màu trắng hơi điểm hồng mọc thành xim nhiều hoa có cuống, ở đầu cành hay đầu thân. Quả nang, phía dưới dẹt không chứa hạt, phía trên chứa 4 hạt, có khi chỉ có 2 hạt, hạt hình trứng hai mặt lồi.

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Cây bạch hạc mọc hoang ở nhiều tỉnh miền Bắc nước ta, còn thấy mọc ở Ấn Độ, Malaysia, Đông châu Phi. Ngoài ra cây còn được trồng làm cảnh.

Người ta thường dùng rễ cây, dùng tươi hay khô làm thuốc. Rễ tươi mới đào bẻ đôi để một lúc lâu sẽ có màu đỏ.

Lớp vỏ ngoài dễ bong tróc ra. Mùi hắc nhẹ, vị ngọt tựa mùi sắn rừng. Mùa hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa đông. Đôi khi người ta chỉ dùng vỏ rễ, có khi dùng cả lá.

Bộ phận sử dụng của Bạch hạc

Rễ cây Bạch hạc được dùng tươi hoặc phơi khô để làm thuốc.

Thành phần hóa học

Bạch hạc chứa flavonoid, hợp chất phenol, acid amin, acid hữu cơ, tannin. Từ năm 1881, Liborrius đã nghiên cứu thấy trong rễ cây này có 1,87% chất gần giống axit cryzophanic và axit frangulic. Tác giả cho đó là hoạt chất của cây và gọi là rinacantin đây là một chất màu đỏ anh đào, không mùi, không vị, tan trong cồn và dung dịch kiềm, khi đun sôi với axit clohydric không choglucoza.

Tác dụng của Bạch hạc

Theo y học cổ truyền

Theo Đông y, Bạch Hạc có Vị ngọt dịu, mùi hắc nhẹ, tính bình. Tác dụng:

  • Có tác dụng chống ho, sát trùng, chống ngứa, trừ phong thấp.
  • Chữa huyết áp cao, trị phong thấp, nhức gân, tê bại.
  • Chữa hắc lào.

Theo y học hiện đại

Bệnh nhân nhân bị hóc xương

Bạch hạc có khả năng kích thích tần số nhu động thực quản tăng với biên độ mạnh. Vì vậy, nó được dùng trong trường hợp bệnh nhân bị hóc xương.

Hỗ trợ thuỳ sau của tuyến yên, ngăn ngừa thiếu máu cơ tim và một số bệnh lý khác

Điều trị một số nhiễm trùng

Nước sắc bạch hạc còn có tác dụng ức chế trực khuẩn lỵ Shigella, tụ cầu vàng, khuẩn Gram âm, Gram dương và nấm.

Liều lượng và cách dùng Bạch hạc

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Liều dùng 10-20g dưới dạng thuốc sắc.

Chữa huyết áp cao, trị phong thấp, nhức gân, tê bại

Ngày uống 10 - 15 g dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Rễ có thể rửa sạch, bóc lấy vỏ phơi khô ngâm trong rượu, dấm để uống.

Eczema, hắc lào, chốc lở, ngứa

Lá và cành non tươi giã nát, thêm cồn 70 độ ngâm lấy nước bôi. Rễ tươi hoặc khô, giã nát, ngâm rượu hoặc dấm 7 - 10 ngày lấy nước bôi 

Chữa lao phổi sơ nhiễm, viêm phế quản, ho

Thân và lá 20 g, sắc thêm đường uống. 

Ngoài ra, lá tươi hay lá khô đều được dùng làm gia vị trong ẩm thực.

Bài thuốc chữa bệnh từ Bạch hạc

Lao phổi

Chuẩn bị: Thân và lá Bạch hạc 20 g.

Thực hiện: Sắc nước, cho thêm đường uống.

Eczema, hắc lào

Chuẩn bị: Một lượng vừa đủ cây lá tươi hoặc rễ tươi giã nhỏ.

Thực hiện: Giã một lượng vừa đủ cây lá tươi thêm cồn 70o ngâm và dùng ngoài. Có thể dùng rễ tươi giã nhỏ, ngâm rượu hoặc giấm trong một tuần lễ, lấy nước bôi.

Hỗ trợ điều trị chứng huyết áp cao

Chuẩn bị: 30g lá bạch hạc, 30 g rễ cây xấu hổ, 40 g lá vú sữa, 40 g cỏ mấn trầu, 20 g rễ nhàu.

Thực hiện: Sắc ống duy trì khoảng 10 ngày thì dừng.

Cải thiện bệnh đau thần kinh tọa

Chuẩn bị: 15 g rễ cỏ xước, 15 g rễ lá lốt, 15 g ráy sơn thục, 10 g rễ bạch hạc, 10 g quế chi, 10 g ngải cứu, 5 g vỏ quýt.

Thực hiện: Sắc uống. Mỗi ngày kiên trì sử dụng 1 thang, uống khoảng 10 – 15 ngày.

Chữa bệnh phong tê thấp, viêm khớp

Chuẩn bị: 12 g rễ bạch hạc, 16 g thổ phục linh, 16 g ké đầu ngựa, 16 g kim ngân hoa, 8 g bạch chỉ, 16 g hy thiêm, 8 g quế chi, 12 g ý dĩ, 12 g tỳ giải, 12 g cam thảo.

Thực hiện: Sắc uống, ngày uống thang 1 lần, kiên trì sử dụng khoảng 5 – 7 ngày thì dừng. Uống sau bữa ăn để cải thiện các triệu chứng đau nhức xương khớp.

Lưu ý khi sử dụng Bạch hạc

Thận trọng cho bệnh nhân huyết áp thấp, trẻ em, người bị viêm loét dạ dày, tá tràng.

Bảo quản Bạch hạc

Bảo quản dược liệu ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt và ẩm mốc.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Bạch hạc. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Bạch hạc là dược liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh được những tác dụng không mong muốn.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Quách Thi Hậu

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Quản lý chuyên môn. Cửa hàng trưởng tại Nhà Thuốc 24H

Dược sĩ Quách Thi Hậu có 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược, chuyên môn sâu về tư vấn sử dụng thuốc cho bệnh nhân tại nhà thuốc, cung cấp thông tin và cập nhật kiến thức về thuốc cho nhân viên, dược sĩ bán hàng.