Top 5 thuốc điều trị mỡ máu tốt nhất hiện nay 2023
Ngày cập nhật
BS.CKI Nguyễn Thị Minh Tuyết
Đã kiểm duyệt ngày 07/03/2024
Chuyên khoa: Nội tổng quát, Tim mạch, Hô hấp, Nội tiết, Xét nghiệm, Y học gia đình
1. Những điều cần biết về tình trạng mỡ máu
1.1 Mỡ máu là gì?
Mỡ máu - máu nhiễm mỡ, là tình trạng rối loạn lipid máu, tăng cholesterol xấu (LDL) và giảm lượng cholesterol tốt (HDL) của cơ thể. Bệnh nhân sẽ được chẩn đoán máu nhiễm mỡ khi xét nghiệm máu nhận các chỉ số vượt ngưỡng an toàn, cụ thể như sau:
- Cholesterol toàn phần > 240 mg/dL (>6,2 mmol/L)
- LDL-cholesterol (LDL-C) > 160 mg/dL (> 4,1 mmol/dL)
- Triglyceride > 200 mg/dL (> 2,3 mmol/L)
- HDL – Cholesterol (HDL-C) < 40 mg/dL (<1 mmol/dL)
Mỡ máu - máu nhiễm mỡ là tình trạng rối loạn lipid máu
1.2 Nguyên nhân gây ra mỡ máu là do đâu?
Tình trạng mỡ máu thường xảy ra với trung niên, người cao tuổi khi hệ tiêu hóa và các cơ quan có vai trò điều tiết mỡ máu đã bắt đầu suy giảm chức năng. Tuy nhiên hiện nay, độ tuổi mắc bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa. Có nhiều nguyên nhân gây tăng mỡ máu, được chia thành 2 loại: nguyên phát và thứ phát, trong đó:
Nguyên nhân nguyên phát:
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh mỡ máu
- Sự đột biến gen
- Tiền sử gia đình có người đột quỵ hoặc mắc bệnh mạch vành sớm: người thân là nam giới dưới 55 tuổi, hoặc nữ giới dưới 65 tuổi.
Nguyên nhân thứ phát:
- Lối sống không hợp lý: chế độ ăn uống không khoa học; ít tập thể dục; mắc bệnh béo phì, thừa cân; sử dụng thuốc lá, thuốc lào, đồ uống có cồn, nhậu nhẹt thường xuyên;..
- Yếu tố sức khỏe: một số bệnh lý có thể khiến mỡ máu tăng như tiểu đường, bệnh suy giáp, hội chứng buồng trứng đa nang,....
Uống rượu bia nhiều là một trong những nguyên nhân gây máu nhiễm mỡ
1.3 Khi nào nên sử dụng thuốc hạ mỡ máu?
Khi bệnh nhân được chẩn đoán mỡ máu cao, bác sĩ sẽ điều trị dựa trên tình trạng sức khỏe hiện tại và các yếu tố nguy cơ, điều chỉnh lối sinh hoạt. Nếu việc điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt hằng ngày trở nên lành mạnh nhưng các chỉ số vẫn chưa cải thiện, bác sĩ sẽ kê thuốc hạ mỡ máu cho bệnh nhân. Khi bác sĩ chỉ định dùng thuốc nghĩa là người bệnh đang ở ngưỡng nguy cơ trung bình mắc bệnh tim mạch, đột quỵ
Thuốc mỡ máu được khuyến nghị sử dụng trong những trường hợp sau:
- Từng xảy ra biến cố tim mạch (đột quỵ, nhồi máu cơ tim) hoặc nồng độ cholesterol tới mức tăng nguy cơ mắc bệnh
- LDL-cholesterol (LDL-C) > 190mg/dL (10,5mmol/L)
- Bị bệnh tiểu đường
- Đồng thời có LDL-cholesterol (LDL-C) > 70mg/dL (3,9mmol/L) và có nguy cơ cao mắc bệnh về tim mạch
Cần phối hợp việc điều trị mỡ máu cao bằng thuốc cùng với duy trì lối sống khoa học, lành mạnh, tập thể dục đều đặn, thường xuyên. Cần xét nghiệm máu sau khi dùng thuốc khoảng 2 – 3 tháng, để đánh giá xem chỉ số mỡ máu có cải thiện không, từ đó thay đổi chế độ điều trị, thăm khám.
2. Các nhóm thuốc hạ mỡ máu
2.1 Nhóm thuốc hạ mỡ máu Statin
Statin là liệu pháp trụ cột, nhóm thuốc hạ mỡ máu đầu tay thường được chỉ định, làm giảm LDL Cholesterol, bao gồm các thuốc: Simvastatin, Atorvastatin, Rosuvastatin,..Statin cũng giúp tăng nhẹ HDL - Cholesterol (cholesterol tốt) và giảm Triglyceride. Bên cạnh đó, nhóm thuốc này còn có tác dụng:
- Giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, biến cố tim mạch, ngăn ngừa bệnh mạch vành. Giảm nguy cơ hình thành cục máu đông
- Giảm viêm, cải thiện chức năng lớp niêm mạc của mạch máu
- Cải thiện chức năng của lớp niêm mạc mạch máu
- Giảm sưng viêm và tổn thương
- Cố định mảng xơ vữa hay mảng bám trong lòng mạch, làm giảm nguy cơ tắc nghẽn mạch máu
Statin - nhóm thuốc hạ mỡ máu phổ biến nhất
Việc sử dụng Statin là hiệu quả và tương đối an toàn, tuy nhiên cũng giống như thuốc khác, Statin cũng có những tác dụng phụ. Một số tác dụng không mong muốn mà người bệnh sử dụng Statin có thể gặp phải như: đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, tăng đường huyết, tổn thương gan,... Ngoài ra để tránh tương tác thuốc của Statin với những thuốc hiện đang sử dụng, bệnh nhân cần tuân theo chỉ định của bác sĩ và thông báo ngay nếu gặp tác dụng không mong muốn.
2.2 Thuốc giảm mỡ máu nhóm Fibrate
Các dẫn xuất của Acid fibric (Fibrate) có tác dụng làm giảm chất béo trong máu, đặc biệt là Triclyceride, tăng HDL - Cholesterol (Cholesterol tốt), giảm sản xuất LDL - Cholesterol (Cholesterol xấu) ở gan.
Nhóm thuốc mỡ máu này gồm Fenofibrate, Clofibrate, Gemfibrozil,..
Fibrate không nên dùng cho người có bệnh gan - thận do có tác dụng phụ là giảm nhẹ chứng năng gan. Ngoài ra nhóm thuốc này còn có thể gây đầy hơn, buồn nôn.
2.3 Nhóm thuốc Acid nicotinic
Nhóm thuốc điều trị mỡ máu này cũng có khả năng giảm Triglyceride và giảm nhẹ LDL - Cholesterol, giống như Fibrate và không dùng kết hợp với Statin. Bao gồm Vitamin PP, Niacin, Vitamin B3
Thuốc giảm triglyceride theo cơ chế ức chế tổng hợp acid béo tại gan, giảm tổng hợp tại gan. Nên nhóm thuốc này không phù hợp với bệnh nhân gan nặng. Một số tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng thuốc là giảm nhẹ chức năng gan, ngứa, châm chích trên da, ho khan, tăng đề kháng với Insulin, tăng đường huyết,...
2.4 Nhóm Resin - gắn với dịch mật giảm LDL - Cholesterol
Resin là nhóm thuốc trị mỡ máu được chỉ định sử dụng trong trường hợp tăng Cholesterol tỷ trọng thấp, hoạt động bên trong ruột bằng cách gắn với acid mật, tăng tổng hợp acid mật từ Cholesterol. Từ đó làm hạ Cholesterol ở gan, giảm LDL-C và tăng nhẹ HDL-c. Nhóm thuốc này bao gồm Cholestyramin, Colesevelam, Colestipol,..
Sử dụng các thuốc hạ mỡ máu thuộc nhóm Resin có thể gây một số tác dụng phụ: đau họng, táo bón, đầy hơn, buồn nôn, ợ hơi, đau dạ dày, sụt cân,...
2.5 Thuốc ức chế PCSK9 (một protein làm tăng lipid máu)
Proprotein Convertase Subtilisin Kexin 9 - một protease được tổng hợp ở gan, ngăn cản quá trình giáng hóa LDC-C ra khỏi huyết tương, từ đó làm tăng nồng độ Cholesterol xấu. \
Cơ chế của PCSK9 trong điều trị rối loạn lipid máu
Nhóm thuốc ức chế PCSK9 bao gồm Evolovumab, Alirocumab được kỳ vọng là một liệu pháp được ứng dụng nhiều trong việc hạ lipid máu.
Khi sử dụng thuốc hạ mỡ máu, bệnh nhân có thể gặp một vài tác dụng phụ như đau cơ, cảm lạnh,...
2.6 Ezetimibe ức chế hấp thu Cholesterol ruột
Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách ức chế hấp thu Cholesterol và Phytosterol ở ruột, thường được dùng phối hợp với Statin khi Statin chưa đạt đích điều trị để tăng hiệu quả điều trị bệnh mỡ máu.
Sử dụng ezetimibe có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn cho bệnh nhân như sốt, viêm họng, đau đầu, sổ mũi, các triệu chứng giống cảm lạnh.
2.7 Dầu cá
Omega-3 thường được gọi là dầu cá, được sử dụng để giảm lipid máu, giúp mạch máu khỏe mạnh. Bên cạnh đó dầu cá còn có tác dụng tốt đối với hệ tim mạch như điều hòa huyết áp, chống huyết khối,...từ đó phòng ngừa nguy cơ mỡ máu cao gây ảnh hưởng tim mạch.
Dầu cá có thể gây tương tác với các thuốc khác, gây tác dụng phụ ợ hơi, phát ban da… Cần thận trọng đối với người dị ứng cá và động vật có vỏ.
3. Top 5 thuốc điều trị mỡ máu tốt nhất hiện nay 2023
3.1 Thuốc hạ mỡ máu Lipitor
Lipitor (hay còn được gọi là Atorvastatin) là một thuốc thuộc nhóm Statin - nhóm thuốc trụ cột trong việc hạ lipid máu. Lipitor là sản phẩm được phát triển bởi Pfizer - tập đoàn đa quốc gia về dược phẩm và công nghệ sinh học ở Mỹ.
Lipitor là thuốc hạ mỡ máu tốt nhất
Lipitor được chỉ định sử dụng 10-20mg/ngày, liều tối đa 80mg/ngày, được bác sĩ chỉ định tùy theo trường hợp của bệnh nhân. Đây là thuốc kê đơn nên bệnh nhân cần uống theo bác sĩ, không tự ý mua sử dụng.
Atorvastatin có thể tương tác với Daptomycin, Pibrentasvir, Gemfibrozil;
Glecaprevir, Ritonavir, Cyclosporine, Telaprevir…
Thuốc không được sử dụng cho phụ nữ đang mang thai do có thể ảnh hưởng có hại tới thai nhi. Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu lâm sàng cho thấy Lipitor có đi vào sữa mẹ hay không, tuy nhiên các mẹ bỉm sữa vẫn được khuyến nghị không dùng thuốc khi đang cho con bú, dựa trên những nguy cơ có thể gây ra với trẻ. Bệnh nhân có bệnh lý về gan từ trước, nghiện rượu nên thận trọng khi sử dụng thuốc, tham khảo ý kiến bác sĩ
3.2 Thuốc điều trị rối loạn mỡ máu fluvastatin (Lescol)
Fluvastatin cũng thuộc nhóm thuốc Statin, được chỉ định 20-40 mg/ngày, liều tối đa 80 mg/ngày theo hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân mắc bệnh gan, thận và sử dụng rượu bia thường xuyên nên thận trọng và hỏi ý kiến bác sĩ khi sử dụng thuốc.
Thuốc trị mỡ máu cao Lescol
Fluvastatin có thể tương tác với Colchicine, Phenytoin, Daptomycin, men gạo đỏ,...
Không sử dụng thuốc đối với phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai và cho con bú, hạn chế đồ uống có cồn, thận trọng đối với người có bệnh lý về gan thận.
3.3 Thuốc hạ lipid máu và trị ngứa Cholestyramine
Cholestyramine thuộc nhóm thuốc Resin, được chỉ định sử dụng:
Liều khởi đầu 4g/lần/ngày. Liều duy trì 4g/lần, 3 lần/ngày trước khi ăn, tùy thuốc chỉ định của bác sĩ cho từng bệnh nhân. Bác sĩ kê dựa trên khả năng đáp ứng điều trị, tình trạng bệnh hiện tại và tác dụng phụ của thuốc.
Cholestyramine có thể tương tác với thuốc chống đông máu Warfarin, kháng sinh Penicillin G, thuốc an thần Phenobarbital, các chế phẩm tuyến giáp, Thyroxin, Estrogen,... Ngoài ra thuốc này còn làm giảm hấp thu vitamin tan trong chất béo
3.4 Thuốc Lopid (Gemfibrozil) điều trị máu nhiễm mỡ
Gemfibrozil dưới tên thương hiệu Lopid, là thuốc điều trị mỡ máu thuộc nhóm thuốc Fibrat, được chỉ định áp dụng trên lâm sàng với liều thường dùng 600mg/lần, 2lần/ngày, trước bữa ăn trưa và tối 30 phút. Nếu sử dụng Lopid 3 tháng nhưng nồng độ lipoprotein trong huyết thanh không được cải thiện đáng kể thì cần dừng thuốc và tham khảo ý kiến của bác sĩ, đổi thuốc phù hợp với tình trạng bệnh.
Thuốc Lopid được phát triển bởi Pfizer - tập đoàn dược phẩm và công nghệ sinh học lâu đời
3.5 Thuốc Zetia ức chế hấp thu Cholesterol chọn lọc
Thuốc Zetia (Ezetimibe) là thuốc ức chế hấp thu Cholesterol. Liều dùng thông thường cho người bị máu nhiễm mỡ là 10mg/lần/ngày.
Zetia có thể tương tác với một số thuốc:
Một số loại thuốc có thể tương tác với zetia bao gồm: Cyclosporine, Gemfibrozil, các thuốc chống đông máu như Warfarin, Jantoven,...
Ngoài tác dụng ức chế hấp thu Cholesterol hạ lipid máu, thuốc Zetia còn có một vài tác dụng khác tuy không được ghi trên tờ thông tin sản phẩm nhưng bác sĩ có thể chỉ định sử dụng.
4. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị rối loạn lipid máu
Sử dụng thuốc điều trị rối loạn lipid máu có thể gây ra một số tác dụng phụ, một số bệnh nhân cần thận trọng khi có bệnh gan, thận. Vì vậy cần lưu ý những điều dưới đây:
- Kết hợp dùng thuốc cùng với xây dựng thói quen ăn uống khoa học, duy trì chế độ tập thể dục thể thao, ngủ nghỉ hợp lý, lối sống lành mạnh.
- Trình bày đầy đủ với bác sĩ về bệnh lý và đơn thuốc hiện đang sử dụng.
- Uống thuốc đúng liều, đúng cách, theo chỉ định của bác sĩ. Hỏi ý kiến của bác sĩ nếu muốn dùng thêm thực phẩm chức năng, loại thuốc khác hay có bất kỳ một băn khoăn nào.
- Chú ý cân nhắc tới những tác dụng không mong muốn có thể gặp phải trong quá trình sử dụng thuốc.
- Gặp bác sĩ định kỳ 2 - 3 tháng/lần để xét nghiệm các chỉ số trong máu, từ đó đánh giá và điều chỉnh chế độ điều trị phù hợp với tình trạng hiện tại của bệnh nhân
Trên đây là một số điều cần biết về các nhóm thuốc điều trị mỡ máu cao, những thuốc được sử dụng nhiều nhất, tốt nhất hiện nay. Mong bài viết đem lại thông tin hữu ích cho mọi người trong việc điều trị.
Đánh giá bài viết này
(3 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm