lcp

Làm thế nào để nuôi dưỡng tính kiên cường ở trẻ?

4.9

Ngày cập nhật

Chia sẻ:

doctor avatar

BS.CKI Đỗ Thị Vân Hương

Đã kiểm duyệt ngày 07/03/2024

Chuyên khoa: Da liễu-Thẩm mỹ

Bạn có thể nuôi dưỡng con mình khả năng đối mặt những thử thách và vượt qua khó khăn, trở nên kiên cường hơn ngay từ khi còn rất nhỏ. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một số “chiến lược”, làm cách nào để nới lỏng đôi tay mà bạn đang dùng để bảo bọc con cái trước tất cả những đau khổ của cuộc đời, và giúp trẻ học cách kiên trì để vượt qua thất bại trong tương lai.

Tầm quan trọng của các mối quan hệ tin cậy

Có được sự hỗ trợ của một người trưởng thành vững vàng, tận tâm – cho dù đó là cha mẹ hay giáo viên – là một trong những yếu tố quan trọng nhất để giúp đứa trẻ cảm thấy rằng mình có tất cả những “vũ khí cần thiết” để vượt qua những nghịch cảnh trong cuộc sống.

Sự kết nối đáng tin cậy giữa người lớn – trẻ em cho trẻ một “không gian an toàn” trước những căng thẳng và rối ren của cuộc sống bên ngoài, tạo ra một môi trường mà ở đó trẻ được bảo vệ để phát triển và học hỏi. Quá trình quan sát và đưa ra ý kiến xuất phát từ những “bậc trưởng thành” – những người thực sự quan tâm đến những đứa trẻ đóng vai trò như những “giàn giáo” kiên cố để hỗ trợ trẻ trong quá trình “xây dựng” các kỹ năng cần thiết và quản lý những áp lực trong cuộc sống.

Những kỹ năng đó bao gồm khả năng tập trung, sự chú ý, khả năng lập kế hoạch, giải quyết vấn đề, kiểm soát bản thân và điều chỉnh để “thích ứng” khi tình thế thay đổi.

Khi những đứa trẻ càng trở nên có năng lực và tự tin trong lĩnh vực này, “giàn giáo” có thể được gỡ bỏ dần dần cho đến khi chúng có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình. Những mối quan hệ như vậy đóng vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống của chúng, càng nhiều càng tốt.

Mặc dù mối quan hệ cha mẹ và con cái giữa bạn và chúng có tầm quan trọng vô cùng lớn, bạn cũng cần nghĩ đến những mối quan hệ đáng tin cậy khác mà con bạn đang có. Đó có thể là ông bà, cô chú, thầy cô giáo, huấn luyện viên…

Bạn nên cân nhắc cách để có thể củng cố các mối quan hệ này hoặc tạo ra những mối quan hệ khác có thể đóng vai trò như “giàn giáo” trong những bước đi chập chững của con bạn. Hiển nhiên, “giàn giáo” càng vững chắc, những “người thợ xây” càng có tự tin để bay xa.

Niềm tin cốt lõi

Kiên cường giống như một loại “cơ bắp” của cảm xúc. Có nghĩa là càng sử dụng, nó sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn. Để giúp trẻ phát triển loại “cơ bắp” này, hãy khuyến khích trẻ “hấp thu” những ý chính sau đây.

Mọi quyết định đều sẽ tạo ra kết quả
Khi cha mẹ đưa ra tất cả các quyết định, con cái có thể cảm giác rằng những gì chúng làm hoặc những gì chúng cảm thấy không thực sự quan trọng. Chúng có thể cảm giác rằng cha mẹ đang nghi ngờ khả năng tham gia vào quá trình đưa ra quyết định cũng như khả năng tự đưa ra quyết định của chúng.
Khi thích hợp, hãy để con bạn tự mình đưa ra những quyết định và để kết quả diễn ra một cách tự nhiên nhất. Đôi khi, những kết quả này không thực sự “tệ hại” như bạn đã nghĩ.
Ví dụ, nếu con gái bạn khăng khăng đòi đi đôi giày sang trọng chỉ để đến sân chơi, hãy để con bạn làm điều đó. Chẳng bao lâu nữa, cô ấy sẽ tự tìm ra đôi giày phù hợp để chơi mà không làm chân bị nóng và phồng rộp.
Nếu con trai bạn tự tin rằng mình đã học tất cả những thứ cần thiết cho bài kiểm tra ngày mai, hãy để kết quả của bài kiểm tra chứng minh tính đúng đắn hoặc sự sai lầm trong quyết định của con.

Con bạn sẽ học được một trong những bài học quan trọng trong cuộc sống, “mọi quyết định đều sẽ dẫn đến hậu quả”. Khi con bạn tích lũy được một vài kinh nghiệm và trở nên khôn ngoan hơn trong việc đưa ra sự lựa chọn, chúng sẽ trở nên tự tin hơn và có khả năng xem xét các lựa chọn để tạo ra những kết quả “tiềm năng hơn”.

Thất bại luôn luôn là một phần của cuộc sống
Trẻ em nên học được rằng thất bại không phải là công cụ mà cuộc sống tạo ra để phá vỡ mọi thứ. Nếu con bạn coi thất bại là cơ hội để học hỏi thay vì “bỏ cuộc giữa đường”, chúng sẽ có khả năng được trải nghiệm những điều mới mẻ hơn và trở nên giỏi giang hơn.
Hãy cho con bạn biết rằng, trong cuộc đời này, chúng ta có thể thắng, có thể thua, và chúng ta không phải lúc nào cũng là người về đích đầu tiên. Nhưng thua một trận bóng, hoặc thất bại trong một cuộc thử giọng sẽ không ngăn cản được con bạn thử làm lại điều đó.
Hãy nhấn mạnh rằng các kỹ năng có thể học được và phát triển được.

Để khuyến khích sự nỗ lực và kiên trì, hãy khen con bạn rằng chúng đã làm việc chăm chỉ như thế nào ở một lĩnh vực nào đó, ngay cả khi chúng không phải là người chiến thắng hoặc không đạt được sự hoàn hảo.
Chẳng hạn, bất kể năng khiếu toán học của con bạn là gì, hãy tập trung vào nỗ lực học tập và quá trình rèn luyện các kỹ năng toán học. Tránh nhận xét về khả năng bẩm sinh của con – điều này có thể khiến con bạn tin rằng nếu bản thân đã không giỏi thì tại sao phải bận tâm vào nó? Thay vào đó, hãy nói rằng: “Cha thật sự thích cách con đã thử rất nhiều chiến lược để giải quyết bài toán khó này”. Ngay cả khi con bạn không thể làm mọi thứ một cách hoàn hảo hoặc thậm chí tốt, con vẫn sẽ học được các kỹ năng quan trọng và phát triển thông qua một quá trình dài.

Tương tự khi con bạn đăng ký tham gia một lớp hoặc hoặc một môn thể thao và chẳng còn muốn tham gia nữa vì chúng cảm thấy buồn chán hoặc không cảm thấy thoải mái. Hãy khuyến khích con gắn bó với những môn học này cho đến khi kết thúc.
Làm như vậy sẽ giúp con bạn làm quen với những nhiệm vụ hoặc những dự án sắp tới và củng cố ý nghĩ không từ bỏ điều gì đó quá nhanh chóng bởi vì nó quá khó khăn và đầy thử thách. Nếu có những lý do chính đáng để từ bỏ, chắc chắn rằng việc “buông tay” cũng rất quan trọng, nhưng kiên trì cũng có thể có lợi. Đôi khi, con bạn thậm chí có thể thích điều đó hoặc quyết định theo đuổi nó lần nữa.

Ai cũng có một thế mạnh riêng
Mỗi đứa trẻ đều có những khả năng riêng biệt. Đối với một số trẻ, các lĩnh vực thông thường như học thuật hoặc thể thao có thể không phải là điểm mạnh của chúng. Nhưng chúng có thể bộc lộ những ưu điểm trong các lĩnh vực như sáng tạo hoặc lòng dũng cảm.
Ví dụ: Bạn có thể nhận thấy rằng con bạn – đứa trẻ thực sự ít quan tâm đến trường học, rất quan tâm đến việc “giải phẫu” tất cả mọi thứ để xem xét bên trong. Bạn có thể cân nhắc ghé đến các cửa hàng đồ cũ để mua một cái radio cũ hoặc một cái đồng hồ cũ chẳng hạn, thứ mà con bạn có thể tự do tháo và lắp. Hoặc nếu con bạn không sợ hãi khi tham gia những hoạt động ngoài trời. Hãy tìm cơ hội để hướng dẫn và thử thách tinh thần mạo hiểm của con bạn một cách an toàn, chẳng hạn như tham gia chương trình hướng đạo sinh hoặc tham gia lớp học leo núi.
Hãy giúp con khám phá và phát triển những điểm mạnh trong tính cách của chúng. Hãy trung thực về những gì con bạn có thể làm – một cách tích cực nhất.
Khuyến khích con phát triển những điểm mạnh và tìm kiếm cơ hội để sử dụng chúng. Chẳng hạn khi sử dụng một kỹ năng để giúp đỡ người khác, có thể là một cách để tăng sự tự tin chính trong tâm hồn của một đứa trẻ.

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Một trong những cách bạn có thể giúp con xây dựng khả năng phục hồi – và đóng vai trò như một mắt xích trong quá trình chuyển động bánh răng gia đình – là giao cho con những việc nhà phù hợp với lứa tuổi.

Làm việc nhà không chỉ cho phép con bạn học được các kỹ năng sống quan trọng giúp thúc đẩy tính độc lập và trách nhiệm mà còn học cách thực hiện công việc, quản lý thời gian hiệu quả và dần dần trở tốt hơn ở một việc gì đó, tất cả đều nằm trong môi trường an toàn của gia đình.
Khi bạn tạo một danh sách công việc, nghĩ về những việc cần thiết để giữa cho tổ ấm của bạn hoạt động trơn tru. Xem xét mức độ phát triển của con và tìm cách để đưa chúng vào các hoạt động gia đình phù hợp hàng ngày. Mỗi gia đình có thể có những sự ưu tiên công việc riêng, nhưng đây là một số gợi ý để bạn có thể bắt tay vào thực hiện:

Từ 3 đến 5 tuổi

  • Dọn dẹp đồ chơi
  • Dọn giường ngủ
  • Bỏ đồ bẩn vào giỏ
  • Tưới cây trong nhà
  • Dọn dẹp và sắp xếp bàn học

Từ 6 đến 8 tuổi

  • Cất chén bát
  • Gấp khăn tắm
  • Chọn tất
  • Rửa rau củ hoặc làm salad
  • Chuẩn bị cặp sách để đến trường

Từ 9 đến 11 tuổi

  • Rửa chén bát
  • Lau bàn
  • Lau dọn nhà tắm
  • Hút bụi
  • Làm bữa trưa

Dạy con tư duy cầu tiến (growth mindset)

Cuộc sống hiếm khi là một chuỗi thành công liên tục. Hầu hết, nó thường là một chuỗi những nỗ lực miệt mài để đạt đến thành công.

Hãy nghĩ về những bước đầu tiên của con bạn. Có thể những nỗ lực ban đầu để có thể bước đi đã kết thúc trong một mớ lộn xộn. Nhưng điều đó hoàn toàn không ngăn cản chúng đứng dậy trở lại. Chẳng bao lâu sau, con bạn đã biết đi và thậm chí là chạy nhảy.

Đó là cách trưởng thành: thử - thất bại – thử lại.

Khi con trở nên lớn hơn, bạn sẽ hỗ trợ con trong quá trình thực hiện những nỗ lực lớn hơn và toàn diện hơn – cả về thể chất, tinh thần và cảm xúc. Sẽ có nhiều hơn những sự vấp ngã, nhưng bạn chính là người giúp chúng bước lại với đường đua. Nuôi dưỡng thái độ kiên cường này sẽ giúp con bạn chuẩn bị cho những thử thách khó khăn hơn trên con đường phía trước, kể cả trung học phổ thông cao đẳng hay đại học.

Hãy cho con biết rằng quá trình học cũng là quá trình chúng bỏ ra để tôi luyện một kỹ năng cũng quan trọng như chính kỹ năng đó, và sự thất bại không phải là điều gì đó đáng sợ hoặc cần phải né tránh.
Giúp con nhìn thấy được rằng thất bại là một sản phẩm phụ tất yếu của việc học tập và thử nghiệm những điều mới.

Ví dụ khi con bạn thua một trận bóng rổ đầy tranh cãi, hãy giúp chúng xử lý những gì đã xảy ra. Nếu tình hình trở nên tệ hơn, hãy cho con bạn biết rằng việc thất vọng hoặc khó chịu là điều hoàn toàn tự nhiên. Sau đó, khi mọi thứ dịu xuống, hãy khuyến khích con nghĩ về những chiến lược để đối phó với trận thua đó và làm thế nào để trở nên tốt hơn trong trò chơi. Việc chia sẻ những câu chuyện về những lần thất bại của bạn và những kinh nghiệm bạn đã rút ra được cũng có thể hữu ích.

Tốt hơn nữa, hãy để con bạn thấy rằng bạn luôn luôn chấp nhận những thử thách mới, ngay cả khi đó là những thứ bạn không giỏi. Hãy thử tham gia một trận chạy đua hoặc tham gia một lớp học làm gốm. Tìm những thứ gì đó thách thức bạn, có thể hoặc thậm chí làm bạn sợ. Cả bạn và con bạn đều sẽ có được những bài học đáng giá. Và bạn cũng sẽ vô tình nhặt được những kỷ niệm vui vẻ trên hành trình cùng con trưởng thành.

Ba yếu tố P
Một nghiên cứu đã đề xuất ba yếu tố, được biết đến là ba yếu tố “P”, có thể làm giảm khả năng phục hồi sau thất bại và tăng trưởng cảm xúc ở một người:

  • Cá nhân hóa (Personalization). Cho rằng những gì xảy ra là lỗi của bạn.
  • Sự lan tỏa (Pervasiveness). Những sự kiện diễn ra sẽ ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống.
  • Tính thường trực (Permanence). Ảnh hưởng của sự thụt lùi sẽ kéo dài mãi mãi.

Để giúp con bạn chống lại những yếu tố này, hãy đưa ra những nguyên tắc sau:

  • Đừng nhìn những gì đã xảy ra theo quan điểm cá nhân.
  • Đừng để thất bại lấn át cuộc sống của bạn.
  • Hãy hiểu rằng những cảm xúc rồi cũng sẽ trôi qua.

Hãy tưởng tượng rằng con gái của bạn đang buồn bực về một cuộc cãi vã gần đây với một người bạn. Trong cơn cảm xúc dâng trào, con bạn nói rằng cô ấy sẽ không bao giờ có thêm một người bạn nào nữa. Trước tiên, hãy thừa nhận cảm giác và dành cho cô ấy một sự đồng cảm. Nói điều gì đó như, “Ugh, những cuộc chiến với bạn bè là một cảm giác thật cô đơn. Việc con cảm thấy như vậy là dễ hiểu”.

Khi con bạn đủ bình tĩnh để bắt đầu trò chuyện và lắng nghe, hãy khuyến khích con bạn làm một “bài kiểm tra” nhỏ về những quan điểm này. Hỏi xem cuộc chiến đã diễn ra như thế nào. Nhẹ nhàng nhắc nhở cô ấy rằng bạn bè đôi khi tranh cãi nhưng điều đó không nhất thiết là một “dấu chấm hết” của tình bạn. Hãy chỉ ra những hoạt động khác mà con bạn tham gia. Ở những hoạt động này, con đã bắt đầu chơi với những bạn khác chưa? Họ có vui không? Cho cô ấy biết rằng vòng kết nối xã hội của cô ấy có thể mở rộng, có thể có thêm nhiều bạn bè và cô ấy cũng có thể sẽ có những người bạn khác trong tương lai.

Cho con thấy những mặt tích cực khác trong cuộc sống của mình, chẳng hạn như hội chợ khoa học sắp diễn ra, tiệc sinh nhật hoặc kỳ nghỉ hè. Một việc tồi tệ xảy ra không có nghĩa là cả cuộc đời của con sẽ trở nên tồi tệ hoặc con sẽ không bao giờ cảm thấy hạnh phúc nữa. Con có thể và sẽ bước tiếp.

Sức mạnh của từ “chưa”
Thất bại cũng có thể trở thành một nguồn động lực to lớn và đóng vai trò như nguồn nhiên liệu để khiến con làm việc chăm chỉ hơn mỗi ngày. Cùng con khám phá ra một lựa chọn khác trên đường đi sẽ dẫn đến một kết quả nào khác.

Nếu con bạn bộc lộ cảm giác thất bại và nói, “Con không thể”, hãy đề xuất con thêm từ “chưa” vào câu.

Chưa thể, không có nghĩa là không thể. Khi sự nỗ lực tăng lên, hoặc khi có một chiến lược mới hoặc cả hai điều đó, con có thể thử lại – và có thể có một kết quả tốt hơn.

Trao đổi kỳ vọng của bạn với con
Tiếp theo, hãy nghĩ về các kỳ vọng của bạn trong quá trình phát triển tính kiên cường của con. Cân nhắc khả năng của con và đặt một thang kỳ vọng đủ cao để cho con có không gian nỗ lực để phát triển. Hoặc để con bạn tự sắp đặt mức độ kỳ vọng này.

Hãy nghĩ theo cách này: Con bạn sẽ không bao giờ thất bại nếu bạn hoặc con bạn luôn đặt ra những mục tiêu trong tầm tay. Hơn nữa, con bạn sẽ không có cơ hội để hiểu rõ năng lực thực sự của bản thân.
Thay vào đó, hãy đặt ra những mục tiêu vừa tầm - có cả khả năng thành công và thất bại, và điều đó sẽ giúp tăng các kỹ năng của con từng chút một theo thời gian.

Phụ huynh trực thăng (Helicopter Parenting)

Bạn có thể đã từng nghe nói về cha mẹ "trực thăng" – đây là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả các bậc cha mẹ luôn “bay lượn” xung quanh những đứa con của mình và quản lý đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất cuộc sống của chúng.
Các ví dụ điển hình về cách nuôi dạy con như một chiếc máy bay trực thăng bao gồm luôn theo dõi xung quanh sân chơi để con không bao giờ bị ngã, kêu gọi các bậc cha mẹ khác để giải quyết các vấn đề về mối quan hệ của con bạn với con của họ và làm lại bài tập về nhà của con.
Những bậc cha mẹ “trực thăng” không để con mình thất bại và muốn bảo vệ con họ khỏi những nghịch cảnh của cuộc sống. Bạn có thể cảm thấy việc bảo vệ con quá mức cần thiết là một điều đúng đắn, nhưng hãy cân nhắc hậu quả với sự trưởng thành của con.

Khi làm như vậy, cha mẹ đang ngăn cản trẻ rèn luyện một kỹ năng sống rất quan trọng – tự mình đưa ra quyết định và học hỏi từ những sai lầm.

Những kỹ năng này rất cần thiết để con bạn trở nên độc lập và tự chủ. Nếu bạn làm bài tập giúp con, con có thể đạt điểm cao. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi chúng sẽ phải tự mình chuẩn bị một bài thuyết trình ở trường đại học?
Khi đó liệu chúng sẽ tự thực hiện công việc như thế nào? Nếu chúng thất bại, liệu chúng có thể tự mình đối mặt với điều đó và tìm ra giải pháp?

Tránh truyền đạt những tư tưởng làm trẻ cảm thấy bạn đang nghi ngờ khả năng của chúng, rằng chúng quá yếu ớt để đứng dậy sau thất bại hoặc bạn không có sự tin tưởng vào chúng.

Thay vào đó, hãy để những lời nói và hành động của bạn truyền cảm hứng để con bạn có thể tự tin phát huy hết tiềm năng của mình.

Hãy để cho con được học hỏi

Cho phép con bạn học hỏi từ thất bại cũng đòi hỏi bạn phải lùi lại và để cho con “được ngã” lúc ban đầu. Nếu bạn giống như hầu hết các bậc cha mẹ, bạn có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự cân bằng giữa việc tiến đến bảo vệ con và lùi lại để con được phát triển – một sự cân bằng mong manh liên tục thay đổi khi con bạn dần lớn hơn.

Nếu con bạn đang phải đối mặt với một tình huống mà sự an toàn của chúng có thẻ gặp rủi ro, sự can thiệp của bạn là thích hợp và cần thiết. Nhưng nếu con bạn đã phá vỡ một quy tắc ở trường học hoặc không hoàn thành bài tập đúng hạn, hãy để chúng đối mặt với hậu quả. Điều này sẽ giúp con biết rằng các quy tắc mà chúng phải tuân theo và để biết cách theo dõi các nhiệm vụ và “deadline” một cách tốt hơn.

Ngoài ra, hãy dành cho con một không gian mà ở đó chúng có thể tự thân vận động.

  • Nếu con bạn cho rằng giáo viên đang đối xử không công bằng, hãy khuyến khích chúng lên tiếng một cách lễ phép và tôn trọng.
  • Nếu con bạn gặp phải những va chạm trong tình bạn, hãy tránh can thiệp.

Thay vào đó, hãy cho con một đôi tai biết lắng nghe. Làm việc hoặc thảo luận với con bạn để cùng nhau đưa ra một cách tốt nhất để thực hiện. Hãy cho con những sự hỗ trợ và lời khuyên khi được hỏi và để con tự mình nhận ra những bài học trong cuộc sống.
Luôn nhớ rằng bằng cách cho phép con đối mặt với những thách thức và tìm ra những phương pháp mới, đồng nghĩa với bạn đang cung cấp cho con các kỹ năng vô cùng quan trọng trong tương lai.

Dạy con thư giãn bằng cách thở

Thư giãn bằng cách điều chỉnh hơi thở là một kỹ thuật mà con bạn có thể sử dụng ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào để đối phó với sự căng thẳng. Chúng hoạt động bằng cách làm chậm và làm sâu nhịp thở để cơ thể và tâm trí được thư giãn. Bạn và con có thể thực hành nó cùng với nhau. Dưới đây là một số hướng dẫn đơn giản với trẻ em mà bạn có thể sử dụng:

  • Tìm một nơi yên tĩnh để ngồi hoặc nằm xuống.
  • Để vai trong trạng thái thư giãn.
  • Hít vào bằng mũi, chậm và đều. Đếm đến bốn trong quá trình hít vào, nếu bạn cảm thấy nó giúp ích trong việc điều chỉnh hơi thở.
  • Tưởng tượng rằng có một quả bóng bay trong bụng. Bạn sẽ thấy bụng mình chuyển động nhẹ nhàng khi bạn thở. Nếu bạn muốn, hãy nằm xuống và đặt một mảnh giấy hoặc một con thú nhồi bông nhỏ trên bụng của mình. Xem nó có di chuyển lên khi bạn hít vào hay không. Phần ngực phía trên giữ yên.
  • Từ từ thở ra bằng miệng, như thể bạn đang thôi một quả bóng hoặc thổi miệng ngọn nến. Bạn có thể đếm đến bốn khi thực hiện điều này.
  • Hãy để bụng của bạn – và phần còn lại của cơ thể - thư giãn sau một vài giây. Sau đó bắt đầu lại từ đầu. Thực hành cho đến khi việc hít thở này trở nên dễ dàng và thư giãn trong quá trình thực hiện.

Dạy con cách đối mặt với áp lực

Áp lực hay căng thẳng (stress) không phải là độc quyền dành cho người lớn.
Một phần của việc trở nên kiên cường chính là khả năng “giải quyết” những áp lực. Cảm giác stress thường gây ra sự không thoải mái. Thậm chí, ở trẻ, stress có thể biểu hiện dưới dạng nhức đầu, đau cơ, đau bụng, buồn nôn hoặc giấc ngủ bị gián đoạn. Trẻ có thể trở nên lo lắng, bồn chồn, cáu kỉnh và thiếu tập trung.

Việc đưa trẻ đến bác sĩ tư vấn có thể giúp loại bỏ một số nguyên nhân xuất phát từ bệnh. Nhưng hãy xem xét khả năng con bạn đang có biểu hiện của các triệu chứng stress.
Mặc dù có thể khiến bạn lo lắng, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc stress chỉ đem đến những điều tồi tệ cho con trẻ. Giống với khi thất bại, stress là một phần không thể thiếu của cuộc sống.

Nếu con bạn học được cách bao dung và quản lý nó, con sẽ trải qua cuộc sống với sự hài lòng và kiên cường hơn.

Chúng ta nên phản ứng với stress như thế nào? Chiến đấu hay tránh né điều này?

Trong suốt quá trình cơ thể tạo ra phản ứng căng thẳng, bộ não sẽ thiết lập một hệ thống báo động khiến tuyến thượng thận tiết ra một lượng lớn hormone, bao gồm adrenaline và cortisol. Trong hoàn cảnh này, bộ não đưa ra hai lựa chọn khả thi: chiến đấu với những cảm xúc tồi tệ hoặc né tránh chúng. Lúc đó việc suy nghĩ một cách hợp lý và giải quyết vấn đề trở nên vô cùng khó khăn.

Mong muốn thôi lúc đó là làm sao giải tỏa nhanh chóng những cảm xúc khó chịu mà không cần suy nghĩ về các hậu quả dài hạn. Để tìm ra sự giải tỏa, lúc đó con bạn có thể “chiến đấu” bằng cách la hét, hành động, cãi nhau hoặc đánh nhau mà không cần lý do chính đáng.
Hoặc con bạn có thể chọn tránh xa tình trạng căng thẳng. Đôi khi, điều này có nghĩa là chạy trốn theo nghĩa đen, hoặc chúng cũng có thể bị lạc vào các trò chơi điện tử hoặc các sở thích khác, trốn tránh bạn bè hoặc đào sâu bài tập về nhà hoặc chơi thể thao.
Chúng có thể thậm chí không nhận biết điều gì đang xảy ra, khiến việc thảo luận về vấn đề này trở nên khó khăn.

Trong vai trò là cha mẹ, bản năng đầu tiên của bạn có thể là cố gắng loại bỏ nguồn gốc của những áp lực này đối với con bạn.
Mặc dù là một phản ứng của sự yêu thương, nhưng không chắc rằng bạn có thể giải tỏa tất cả mọi căng thẳng trong cuộc sống của con mình. Ngay cả khi bạn có thể loại bỏ các tác nhân gây căng thẳng tức thời, bạn có thể đang từ chối cơ hội học hỏi của con bạn về những kỹ năng ứng phó lành mạnh. Bạn cũng có thể gửi thông điệp rằng cách tốt nhất để đối phó với căng thẳng là tránh nó.

Một lựa chọn khác là giúp con bạn xây dựng bộ "công cụ" mà chúng có thể sử dụng để đối phó với căng thẳng trong suốt cuộc đời. Trên thực tế, điều này rất quan trọng trong việc cho trẻ tiếp cận với những cách tích cực để quản lý và giảm bớt căng thẳng, và chúng có thể làm như vậy sau này khi trưởng thành.

Đầu tiên, hãy giúp con nhận thức được những gì chúng đang cảm thấy.
Đôi khi, chỉ cần việc nói lên “Tôi đang cảm thấy lo lắng” có thể giúp giảm cường độ sự cảm xúc. Sau đó, dạy con bạn bình tĩnh những suy nghĩ đang chạy loạn bằng cách nói: “Tôi không bị công kích”.
Trong hầu hết các trường hợp, điều gây ra sự căng thẳng cho con bạn không phải là những mối đe dọa rõ ràng đối với sự an toàn của con bạn.

Hãy nhắc nhở con bạn rằng cảm giác căng thẳng sẽ giảm bớt và chúng sẽ cảm thấy tốt hơn khi thời gian trôi qua. Ngoài ra, hãy dạy con bạn nghĩ ra cách đối phó với căng thẳng trong thời điểm này, chẳng hạn như bằng cách tự nói với chính mình: “Tôi có thể làm điều này”, hoặc bằng cách hít thở sâu.

Việc thực hành thường xuyên sẽ đem lại nhiều lợi ích. Có vô vàng những cơ hội trong cuộc sống để mỗi đứa trẻ có thể học được cách quản lý những căng thẳng theo hướng tích cực.
Các tác nhân gây căng thẳng có thể bắt đầu từ những vấn đề nhỏ và ngay lập tức biến mất như việc không thể tìm thấy một chiếc sơ mi sạch sẽ, và dần dần trở nên lớn hơn với tần suất nhiều hơn, chẳng hạn như bị bỏ lại khỏi một nhóm bạn cùng tuổi. Đứa trẻ kiên cường sẽ có thể thích nghi với mức độ căng thẳng khác nhau theo thời gian và cuối cùng phát triển mạnh mẽ.

Khi con bạn tiếp tục phát triển và trưởng thành, cách thức đối phó của trẻ sẽ thay đổi. Khi căng thẳng, đứa con nhỏ hơn của bạn có thể bám vào một thứ gì đó như chăn hoặc thú bông, hoặc đơn giản là ngủ thiếp đi. Đứa con lớn hơn của bạn có thể có cách xử lý khác do đã phát triển nhiều kỹ năng giải quyết vấn đề hơn, nhưng điều đó không có nghĩa chúng không cần những nhắc nhở về việc các căng thẳng đó có thể kiểm soát được.

Đừng quên rằng con bạn cũng đang theo dõi cách bạn đối phó khi bị áp lực. Đây là cơ hội tốt để đánh giá kỹ năng quản lý stress của bạn và học hỏi thêm những điều mới. Tự mình đưa ra những lựa chọn ứng phó tích cực và người được hưởng lợi là cả gia đình bạn.
Hãy nhớ rằng nếu một sự kiện nghiêm trọng đã xảy ra, con bạn có thể sẽ cần sự giúp đỡ của một chuyên gia tâm lý để phục hồi.

Một số gợi ý sau đây có thể giúp con bạn học cách thích nghi và quản lý áp lực:

Giải quyết tác nhân gây căng thẳng

Khuyến khích con bạn xác định vấn đề đang thực sự làm chúng khó chịu và chia nó thành những phần nhỏ hơn để dễ quản lý hơn. Đôi khi vấn đề liên quan đến những phần ít “hữu hình” hơn, chẳng hạn như căng thẳng trong cảm xúc và suy nghĩ. Cho phép con bạn mô tả những cảm xúc đó và giúp đỡ trẻ khi chúng xuất hiện.

Hãy đảm bảo rằng trẻ hiểu những cảm xúc tiêu cực dù không thoải mái nhưng chúng không nhất thiết là vấn đề. Mục đích cần hướng đến là hiểu và đối mặt với cảm giác căng thẳng, chứ không phải tránh né chúng.

Lên kế hoạch
Sau khi xác định được nguồn gốc của sự căng thẳng và các tác nhân của nó, điều này có thể dễ dàng hơn trong việc lập ra kế hoạch hành động. Lắng nghe những ý tưởng của con cho các cách giải quyết đầu tiên. Nếu cần thiết, hãy đề nghị một số phương pháp của bản thân bạn. Có thể điều này liên quan đến việc lên kế hoạch trước nhiều hơn hoặc luyện tập chăm chỉ hơn. Hoặc có thể chúng đồng nghĩa với việc đi đến một nơi yên tĩnh, thậm chí chỉ là trong tưởng tượng, khi cảm thấy mọi thứ đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

Tự chăm sóc bản thân
Tích cực, ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc và dành thời gian cho gia đình và bạn bè có thể giúp con bạn giảm bớt căng thẳng và lo lắng. Một số trẻ có thể quan tâm đến việc thực hành các kỹ thuật giảm căng thẳng như hít thở sâu.

Học cách thư giãn
Nói chuyện với con bạn về sức mạnh của việc chiếm lấy tâm trí ra khỏi những căng thẳng, bằng cách tưởng tượng một nơi thư giãn, chuyển sang sở thích, đọc sách hoặc nghe nhạc. Hãy hỏi và quan sát con bạn điều gì sẽ giúp chúng cảm thấy thư giãn.

Thể hiện lòng biết ơn
Hãy dành một chút thời gian cho nhau mỗi ngày để chia sẻ những gì bạn đang biết ơn – có thể tại bàn ăn tối hoặc bằng cách đặt một tờ giấy vào hũ tri ân. Điều này có thể giúp con bạn tập trung vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Làm một hành động tích cực Bạn có biết rằng trẻ có thể giảm bớt căng thẳng bằng cách giúp đỡ một người nào khác? Nó không chỉ mang lại sự phân tâm mà chúng sẽ chứng kiến được việc cho và nhận sự giúp đỡ.

Để con tự tin bước đi

Xây dựng khả năng kiên cường cho con cũng đòi hỏi ở bạn sự buông bỏ nhất định – trên tư cách là cha mẹ hay người bảo vệ chúng. Đôi khi thời gian này có thể đáng sợ với bạn. Nhưng điều này đóng vai trò quan trọng để bạn tin tưởng con mình hơn.

Khi cha mẹ tin tưởng vào một đứa trẻ về những gì chúng có thể làm, sự tự tin cũng sẽ nảy nở và phát triển trong đứa trẻ. Nếu bạn tin sức mạnh của sự phát triển và học hỏi, con bạn cũng sẽ học được điều đó từ bạn. Nếu bạn tin rằng con bạn có thể vượt qua những trải nghiệm căng thẳng, con bạn cũng sẽ tin vào điều đó.

Bằng cách cho con cơ hội thích hợp để đối mặt với những thách thức, học các kỹ năng thích ứng và phát triển mạnh mẽ bất chấp những thất bại ngay cả khi nó liên quan đến một số trải nghiệm sai lầm, bạn đang dần trang bị cho chúng những hành trang cần thiết để trưởng thành một cách độc lập và phát triển toàn diện về sau.

Nguồn: Mayo Clinic Guide to Raising a Healthy Child, Angela C Mattke, M.D. Mayo Clinic Press, 2019

DS Nguyễn Phạm Quỳnh Hoa dịch

Đánh giá bài viết này

(10 lượt đánh giá).
4.9
1 star2 star3 star4 star5 star

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm